ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 19/11.
Rủi ro điều chỉnh tiếp tục hiện hữu
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp từ mốc 610 điểm của VN-Index, có thể thấy tâm lý thị trường đang bắt đầu dao động mạnh khiến giao dịch intraday khá kém tích cực. Thanh khoản duy trì ở mức cao trong vài phiên gần đây nhưng mức độ tập trung vốn quá cao, trong khi trên thực tế nhiều cổ phiếu tăng không đáng kể về mặt thanh khoản. Điều này khiến lượng giao dịch duy trì ở mức cao nhưng diễn biến giá liên tục điều chỉnh giảm.
Diễn biến này không có sự cải thiện sẽ khiến thị trường thiếu xung lực bật tăng trở lại. Rủi ro điều chỉnh do vậy sẽ tiếp tục hiện hữu trong vài phiên tới.
Trong ngắn hạn, xu hướng điều chỉnh tích lũy sẽ tiếp tục diễn ra, nhất là trong bối cảnh các mã lớn trong nhóm cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của SCIC đang tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, khối ngoại bán ròng tập trung vào các mã vốn hóa lớn và thị trường đang thiếu vắng các thông tin tích cực hỗ trợ. Nhà đầu tư do vậy nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức độ vừa phải, cân nhắc giảm việc sử dụng đòn bẩy tại thời điểm hiện tại, chờ các diễn biến tích cực hơn của dòng tiền tại các mốc hỗ trợ ngắn hạn, đối với VN-Index là vùng 595-600 điểm.
Rủi ro đảo chiều giảm điểm đang tiếp tục mạnh lên
(CTCK FPT - FPTS)
So với cảnh báo phát đi từ phiên 16/11 thì mức rủi ro xảy ra đảo chiều giảm đang tiếp tục mạnh lên. Các mã tăng điểm phiên 18/11 không thực sự thuyết phục khi đa phần chưa thể vượt qua mức đỉnh ngắn hạn trong phạm vi một tuần gần đây. Trong khi đó, số lượng mã chứng khoán giảm lại xuất hiện nhiều hơn, ngay tại các nhóm cổ phiếu đầu cơ đang hút mạnh dòng vốn gần đây như FLC, FIT, HAI...cũng đều chững lại.
Nhóm cổ phiếu trụ cột một lần nữa tiếp tục “lỗi hẹn” với xu hướng chung, điển hình như nhóm ngân hàng hay bất động sản vốn được kỳ vọng sẽ là động lực dẫn dắt mới giúp chỉ số phục hồi mạnh mẽ hơn. Nỗ lực ghìm đà giảm của VNM trong phiên này cũng đôi lúc giúp chỉ số hồi phục nhưng sự hưởng ứng của thị trường khá yếu, sự lan tỏa không được thiết lập.
Trong bối cảnh tâm lý hoài nghi về xu hướng đang khá nặng nề, các hoạt động giao dịch theo chiều mua nên hạn chế. Đối với các tài khoản có lượng cổ phiếu lớn trên tổng tài sản được khuyến nghị hạ dần tỷ trọng về mức an toàn. Các nhịp hồi phục không đi kèm thanh khoản tích cực của chỉ số chính là thời điểm phù hợp cho các hoạt động cơ cấu lại danh mục. Nhóm nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp được khuyến nghị đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này.
Test lại mốc 600 điểm
(CTCK Maritime – MSI)
Với việc hình thành một cây nến Doji trong phiên 18/11 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá do dự. Thanh khoản đã giảm sút dù vẫn ở mức khá cao. Phiên giao dịch 19/11 thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh, VN-Index có thể test lại mốc 600 điểm. Thị trường vẫn còn khá rủi ro, các hoạt động bắt đáy và trading T+ nên hạn chế trong giai đoạn này.
Dòng tiền đang dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu thị trường
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ yếu tố thông tin và đã tăng trưởng mạnh sang nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao, cơ bản tốt và chưa tăng nóng. Nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các phiên thị trường biến động để cơ cấu dần danh mục sang các mã cơ bản và đang giao dịch ở vùng giá hấp dẫn, thuộc các ngành bất động sản (hưởng lợi từ đà phục hồi của thị trường bất động sản) hay ngành chứng khoán (hưởng lợi từ đà phục hồi của thị trường cả về giá và thanh khoản).
Việc tăng giá đang khó khăn hơn
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Nhìn chung biến động giảm nhẹ ở các phiên gần đây không có nhiều tác động đến nhìn nhận kỹ thuật dành cho thị trường. Xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index vẫn được đảm bảo, nhưng lưu ý hành trình tăng giá sẽ dần đối mặt với khó khăn lớn hơn, đặc biệt khi VN-Index vượt trên khu vực 615 điểm. Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong bối cảnh hiện nay nhưng việc mở thêm các vị thế mua mới nên dần được hạn chế.