Mở cửa hội nhập: Sức ép thanh lọc và cơ hội hợp tác

(ĐTCK) Trong các CTCK hiện tại, có 3 CTCK 100% vốn nước ngoài, 25 CTCK có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, có 7 CTCK nước ngoài mở văn phòng đại diện ở Việt Nam để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và thu thập thông tin thị trường.
Hiện có 13 CTCK có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, cung cấp dịch vụ cho khoảng 43% NĐT trên thị trường Hiện có 13 CTCK có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, cung cấp dịch vụ cho khoảng 43% NĐT trên thị trường

Dưới tác động của hội nhập, mở “room” tối đa, sự tham gia mạnh mẽ hơn của các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài một mặt được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường, song mặt khác tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các CTCK nội.

Mở cửa và tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi CTCK

Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ và Thông tư 123/2015/TT-BTC ngày 18/8/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK đã đánh dấu bước tiến lớn của TTCK Việt Nam nói chung và khối các CTCK nói riêng trong việc hội nhập quốc tế sâu hơn khi cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần, phần vốn góp tại các CTCK.

Sau khi các văn bản này có hiệu lực thi hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xem xét cấp phép, chấp thuận cấp phép cho một số CTCK có sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài chiếm trên 51% vốn điều lệ như: CTCK Maybank KimEng, CTCK KIS Việt Nam, CTCK Shinhan Việt Nam, CTCK Mirea Asset Việt Nam.

Theo các quy định trên và các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động CTCK, các CTCK nước ngoài, CTCK có vốn đầu tư nước ngoài và các CTCK nội hoàn toàn bình đẳng trong mọi hoạt động kinh doanh. Các CTCK nước ngoài và có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện mọi nghiệp vụ kinh doanh theo quy định như các CTCK nội. Ngược lại, các CTCK nội không nhận được bất kỳ ưu đãi hoặc đối xử thuận lợi hơn từ cơ quan quản lý nhà nước. 

Sự phân hóa của khối CTCK nội

Cùng với sự phát triển của thị trường, khối CTCK nội đã có sự phát triển nhanh chóng, nhưng xuất hiện sự phân hóa sâu sắc. Thị trường đã chứng kiến sự lớn mạnh của một nhóm các CTCK nội, đặc biệt là ở quy mô vốn và mức độ tiếp cận khách hàng, với cơ sở NĐT lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 13 CTCK có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, cung cấp dịch vụ cho khoảng 43% NĐT trên thị trường.

Các CTCK nội địa, nhất là các công ty vừa và nhỏ, muốn cải thiện cạnh tranh, giữ khách hàng phải tái cấu trúc thông qua hợp nhất, sáp nhập nhằm tăng cường tiềm lực vốn và cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây cũng chính là một trong những điểm trọng yếu của Đề án tái cấu trúc CTCK.

Quy mô hoạt động của các CTCK này cũng rất đa dạng, từ môi giới, tư vấn đầu tư đến các hoạt động ngân hàng đầu tư hiện đại. Trên cơ sở các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về quản trị công ty, quản trị rủi ro, các CTCK lớn đã tích cực đầu tư, hoàn thiện hệ thống quản trị, tiếp cận các thông lệ quốc tế tốt nhất. Từ đó, có cơ sở để tin tưởng khả năng cạnh tranh của các CTCK này với các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài khi cánh cửa hội nhập mở rộng.

Còn các CTCK vừa và nhỏ đang ở thế bất lợi so với các CTCK quốc tế về nhiều mặt, nhất là quy mô tài sản. Do quy mô vốn nhỏ, các CTCK vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư thông qua cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành quy mô lớn trong các đợt cổ phần hóa của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, quy mô vốn nhỏ làm hạn chế khả năng mở rộng độ bao phủ của mạng lưới, mở rộng phân khúc khách hàng và nâng cao năng lực cũng như phạm vi cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, hầu hết các CTCK vừa và nhỏ hoạt động theo cùng một mô hình, cơ cấu kinh doanh với các loại hình dịch vụ đơn điệu. Cơ cấu cạnh tranh của các CTCK này hầu như không có sự khác biệt, chủ yếu cung cấp dịch vụ môi giới, đối với sản phẩm tài chính là cổ phiếu niêm yết và cho đối tượng (phân khúc) khách hàng là NĐT nhỏ lẻ.

Mảng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa thật sự phát triển. Các CTCK vừa và nhỏ đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao từ các CTCK lớn ngay ở mạng dịch vụ, vốn dĩ thích hợp đối với CTCK vừa và nhỏ là môi giới cho khách hàng nhỏ lẻ. 

Nhóm CTCK có vốn ngoại: giai đoạn thăm dò

Hiện nay, có 25 CTCK có vốn đầu tư nước ngoài và 3 CTCK nước ngoài đang hoạt động. Trong số này, có 12 CTCK có sự tham gia góp vốn trên 40% từ các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài. Sự tham gia của các CTCK nước ngoài vào TTCK Việt Nam cho thấy sự quan tâm của họ tới thị trường, đồng thời tạo ra sức hút đối với NĐT nước ngoài vào thị trường.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đa phần các CTCK này chưa triển khai mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh, mà chủ yếu từng bước thăm dò làm quen với thị trường kinh doanh chứng khoán ở Việt Nam. Trong số đó, chỉ có 1 CTCK có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng và chưa đến 50% số công ty có lãi. 

Thách thức và cơ hội chia đều cho các bên

Dưới tác động của sự mở cửa thị trường, sự tham gia của các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính trung gian trên thị trường, chuyển giao kinh nghiệm và cách thức quản trị điều hành, góp phần thu hút thêm NĐT nước ngoài (là khách hàng truyền thống của các tổ chức kinh doanh chứng khoán này) vào đầu tư.

Trên thế giới, nhiều tổ chức kinh doanh chứng khoán có bề dày hoạt động kinh doanh chứng khoán trên phạm vi toàn cầu, có thể thực hiện nghiệp vụ trung gian cho khách hàng cá nhân trên các thị trường khác nhau từ Mỹ, Anh đến Hồng Kông, Singapore. Hơn thế, các tổ chức này cung cấp một chuỗi các dịch vụ và sản phẩm tài chính đa dạng, hấp dẫn đối với NĐT cá nhân. Vậy nên, sự tham gia của các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài trên thị trường Việt Nam có thể khiến các CTCK trong nước phải chia sẻ lượng khách hàng hiện tại. Do đó, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao tăng cường năng lực cạnh tranh cho các CTCK nội.

Nhưng trong thách thức lại ẩn chứa những cơ hội hợp tác, thu hút vốn ngoại, học hỏi và áp dụng các mô hình kinh doanh, thông lệ quản trị công ty, quản trị rủi ro và quản trị điều hành tốt nhất cho các CTCK nội. Trong khi đó, thế mạnh của các CTCK nội là sự am hiểu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đã có sự cọ sát trên thị trường trong 15 năm qua, đồng thời bản thân nội tại cũng đang nỗ lực tạo dựng chỗ đứng trên thị trường, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng, đảm bảo an toàn hệ thống.

Mặc dù vậy, trong hoạt động cạnh tranh để cùng phát triển, các CTCK nội cần xây dựng ý thức cạnh tranh vì các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài có ý thức và văn hóa cạnh tranh rất cao, cơ chế quản trị rủi ro và hệ thống quản trị hoạt động đã được định hình qua lịch sử cạnh tranh khốc liệt. Các CTCK nội địa, nhất là các công ty vừa và nhỏ, muốn cải thiện cạnh tranh, giữ khách hàng phải tái cấu trúc thông qua hợp nhất, sáp nhập nhằm tăng cường tiềm lực vốn và cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây cũng chính là một trong những điểm trọng yếu của Đề án tái cấu trúc CTCK.

Đồng thời, mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng dịch vụ tài chính ngân hàng đầu tư nhằm đa dạng hóa nguồn thu và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thực tế, nhu cầu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã và đang mang lại cơ hội cho các CTCK nội mở rộng nghiệp vụ kinh doanh.

Bên cạnh đó, hoàn thiện năng lực quản trị công ty, tăng cường chuẩn hóa hoạt động quản lý, điều hành nhằm tiết giảm chi phí hoạt động. Các CTCK nội phải sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động nhằm cải thiện hiệu quả trao đổi thông tin giữa các phòng, ban trong nội bộ công ty nhằm giảm thiểu việc lãng phí thông tin. Tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả thông tin sẽ góp phần tăng cường sức cạnh tranh của công ty.

Các CTCK nội có thể chủ động tận dụng việc mở cửa thị trường để hợp tác kinh doanh với các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, qua đó tiếp nhận những công nghệ kinh doanh, kỹ năng tổ chức, quản lý và điều hành tiên tiến từ đối tác.

Ngoài thách thức về cạnh tranh trong việc thu hút mới và bảo toàn lượng khách hàng hiện có, các CTCK nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu” nguồn nhân lực. Để giữ chân nhân sự chất lượng cao, các CTCK nội phải có những biện pháp ưu đãi, chính sách phúc lợi, đãi ngộ thích hợp. Việc thưởng cổ phần, quyền mua cổ phần có thể là một giải pháp phù hợp.

Nhìn chung, việc mở room đến 100% cho NĐT nước ngoài làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với khối CTCK, nhưng CTCK nội vẫn có cơ hội phát triển. Sức ép cạnh tranh giúp thị trường thanh lọc các công ty yếu kém, thúc đẩy một cách tự nhiên quá trình tái cấu trúc khối công ty này.

Vấn đề là, muốn thành công trong hoạt động kinh doanh, các CTCK dù là nội hay ngoại đều phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo hệ thống quản trị rủi ro tốt, có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Trong thời gian tới, thị trường có quyền hy vọng vào một khối CTCK hoạt động chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của TTCK.

Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục