Thị trường tài chính ASEAN đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng
Nhiều thông tin liên quan đến thị trường tài chính châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đã được chia sẻ tại hội thảo. Theo nghiên cứu của ANZ (3/2014), châu Á được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và chiếm trên 40% GDP toàn cầu vào năm 2030; trên thị trường tài chính châu Á, lĩnh vực ngân hàng vẫn chiếm ưu thế.
Độ sâu tài chính của thị trường tài chính châu Á có thể bắt kịp các quốc gia phát triển và đạt xấp xỉ 400% GDP vào năm 2030. Nhóm Asia 10 sẽ đóng góp tới 90% GDP toàn châu Á. Tuy nhiên, mức độ hội nhập tài chính của khu vực ASEAN nói riêng và các nền kinh tế châu Á nói chung hiện còn thấp so với độ mở thương mại.
Vẫn theo ANZ, quy mô thị trường tài chính của các nền kinh tế châu Á chỉ đạt khoảng 3 lần GDP, trong khi hệ số này ở khu vực Bắc Mỹ và EU là 5 - 6 lần.
Theo nghiên cứu của Pongsaparn và Unteroberderster (2011), mức độ hội nhập tài chính của nhiều nền kinh tế châu Á thấp hơn mức trung bình của 90 nền kinh tế phát triển và mới nổi được xem xét trong nghiên cứu. Thậm chí, một số trường hợp còn thấp hơn khu vực Mỹ Latinh và Đông Âu.
Đặc điểm của thị trường tài chính ASEAN phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, nhất là các nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Trong khi đó, thị trường vốn còn quá nhỏ bé, ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường tài chính. Dự báo, đến năm 2025, hệ thống tài chính của hầu hết các quốc gia ASEAN vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng.
Đối với Việt Nam, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, thị trường tài chính nước ta còn nhiều điểm hạn chế, mang các đặc tính hạn chế của khu vực. Hơn nữa, Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm nước yếu kém trong khu vực. Để hội nhập thị trường tài chính khu vực, chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần hướng tới mục tiêu ổn định tài chính, ngoài các mục tiêu truyền thống như kiểm soát lạm phát, ổn định tăng trưởng, cân đối ngân sách…
Đồng thời, có lộ trình tự do hóa dịch vụ tài chính và tự do hóa tài khoản vốn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cần định dạng rõ hơn cấu trúc thị trường tài chính tương lai theo hướng cân bằng hơn, chú trọng phát triển thị trường vốn, nhằm giảm áp lực cho thị trường ngân hàng cũng như cân bằng cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn của hệ thống tài chính. Nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế…
ACE mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp niêm yết
Ông Lê Nhị Năng, Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. HCM nhận định, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, dự kiến vào cuối năm nay, TTCK sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn cho nền kinh tế. AEC cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp niêm yết trong việc tiếp cận với các nước trong nội khối và các nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. AEC sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn nhất trong ASEAN và các quốc gia thành viên.
Để chuẩn bị cho hội nhập, Mạng giao dịch liên thông Sở giao dịch các nước Đông Nam Á (ASEAN trading link) đã được thành lập ngày 18/9/2011. Khi tham gia ASEAN trading link, Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích, bao gồm tăng tính thanh khoản cho TTCK; tận dụng được nguồn lực khu vực với quy mô GDP toàn khu vực hơn 2.300 tỷ USD, dân số trên 600 triệu người.
Hệ thống mạng giao dịch chung sẽ giúp tăng giao dịch cả trong thị trường vốn và thị trường nợ nhờ vào sự giảm mạnh chi phí giao dịch giữa các quốc gia trong khu vực. Dòng vốn luân chuyển tăng sẽ giúp thị trường hoạt động sôi động và gia tăng quy mô thị trường, qua đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung trong khu vực.
Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Năng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống giao dịch của Việt Nam vẫn đang trong quá trình nâng cấp; hệ thống thanh toán bù trừ tại Trung tâm thanh toán bù trừ Việt Nam cũng đang trong quá trình nâng cấp và cải tiến. Trong khi đó, đây chính là điều kiện cần cho quá trình hội nhập với các Sở giao dịch chứng khoán trong khu vực.
Ngoài ra, một trong các tiêu chuẩn quan trọng đáp ứng điều kiện hội nhập là tiêu chuẩn về bản cáo bạch khi các công ty phát hành chứng khoán ra công chúng (ASEAN Disclosure Standards). Hiện nay, có 3 quốc gia áp dụng tiêu chuẩn này trong bản cáo bạch là Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Philippines cam kết sẽ sớm áp dụng chuẩn mực này. Để Việt Nam tham gia hệ thống giao dịch chung ASEAN trading link, đòi hỏi phải có sự thống nhất và nỗ lực lớn từ các ban, ngành nhằm đưa các quy chuẩn mang tầm quốc tế áp dụng vào hệ thống giao dịch chứng khoán.
Ông Năng nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết cho việc phát triển thị trường và cũng là tiền đề để đáp ứng hội nhập vào AEC đó là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa cả về chất lượng và số lượng, xây dựng cơ sở nhà đầu tư và tái cấu trúc, phát triển các định chế trung gian. Để hàng hóa có chất lượng tốt, cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuẩn mực công bố thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán và quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam.
… và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là bài toán khó và cần sự chuẩn bị từ phía doanh nghiệp để hội nhập thành công. Ông Lê Công Thiện, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập thị trường tài chính khu vực Đông Nam Á nói riêng, thị trường tài chính thế giới nói chung, HSC không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn và củng cố nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ để cải tiến và phát triển những dịch vụ tài chính mới, cung cấp những sản phẩm gia tăng giá trị, qua đó phát triển quy mô Công ty dựa trên nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
HSC đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 3 giá trị cốt lõi: trung thực, cống hiến nghề nghiệp, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ về chất cũng như về lượng cho quá trình phát triển của Công ty.
HSC đã triển khai nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học, nhằm tìm kiếm nhân sự tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tính đến cuối tháng 8/2015, số lượng nhân viên của HSC tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Luật (UEL) là 34, chiếm 10% tổng số nhân sự của Công ty. Trong đó, cấp quản lý có 8 nhân sự, cấp nhân viên 26 nhân sự.
Theo đánh giá của ông Thiện, điểm mạnh nguồn nhân lực của UEL tại HSC là dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc, có tinh thần cầu tiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và am hiểu chuyên môn. Nhưng vẫn có nhiều điểm cần hoàn thiện như trình độ ngoại ngữ, tính chủ động trong công việc, khả năng hoạt động nhóm, kỹ năng sử dụng các công cụ phân tích, phương pháp làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và đòi hỏi tính cạnh tranh cao, các kỹ năng mềm trong quản trị công việc, lên kế hoạch, quản lý và hoàn thành kế hoạch.
Thực tế, tình trạng nhân sự trẻ, năng động, nhưng thiếu kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ hạn chế khá phổ biến ở Việt Nam. Ông Thiện kiến nghị, nhà trường và doanh nghiệp cần thường xuyên có những buổi tiếp xúc, đối thoại để điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng đào tạo sinh viên các kỹ năng mềm; nếu có thể, nhà trường quy hoạch các chương trình này vào thành chương trình đào tạo chính thức cho sinh viên. Về phía doanh nghiệp, cần kịp thời góp ý, cập nhật các nhu cầu thực tiễn cũng như đưa ra những dự báo, định hướng về phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho nhà trường.