Nhận định thị trường ngày 13/11: xu hướng điều chỉnh có thể đã kết thúc

(ĐTCK) Thị trường phiên 12/11 có diễn biến tich cực với lực cầu cuối phiên tăng mạnh, giúp hai chỉ số kết thúc phiên ở mức điểm cao nhất, đồng thời chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp. Mặc dù vậy, khả năng quay trở lại xu hướng tăng ngay sau phiên này vẫn chưa được đảm bảo.
Nhận định thị trường ngày 13/11: xu hướng điều chỉnh có thể đã kết thúc

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/11.

VN-Index tiếp cận mốc 608-610 điểm và giảm trở lại   

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Một phiên giao dịch đầy cảm xúc và bất ngờ đã diễn ra. Việc thị trường lình xình đã dẫn tới hành động bán mạnh một nhóm cổ phiếu mà dẫn đầu có lẽ là GAS và nhóm Dầu khí. Nhịp bán này đã đẩy VN-Index mất mốc 600 điểm trước khi hồi phục trở lại nhờ nhóm cơ bản và Ngân hàng. Đây là phiên giao dịch tăng vọt nhờ lực bắt đáy mạnh, và thực sự đó là điểm đáng ghi nhận.

Chốt phiên giao dịch, VN-Index đã lấy lại toàn bộ và tăng nhẹ 0,34% cho thấy có phần nào đó hơi quá đà. Thực sự thị trường đã khá yếu cho dù nó đã hội tụ nhiều yếu tố tích cực nhất, nhưng dòng tiền mới dường như không nhâp cuộc. Điều đó khiến cho có một nhóm cổ phiếu đã bị bán mạnh và tất yếu dẫn tới hành động bán của nhiều nhà đầu tư.

Việc tăng giá trở lại này thực sự có kích thích dòng tiền mới hay không mới là điều quan trọng? Sẽ khó có khả năng này, có thể chỉ là một hành động kéo giá trở lại của một số mã tăng mạnh. Sau nhịp này, sẽ lại là sự lình xình diễn ra và câu chuyện thoát hàng của những cổ phiếu dạng này như FPT, BVH hay VNM…

Tất nhiên không thể không phủ nhận rằng thị trường sẽ có thêm yếu tố tích cực cho phiên giao dịch ngày 13/11. Tuy nhiên, nghiêng về kịch bản VN-Index tiếp cận mốc 608-610 điểm và giảm trở lại trước áp lực của nhóm cổ phiếu lớn mà dẫn đầu có thể là GAS. Sự ảm đạm và lình xình sẽ lại diễn ra khiến mốc 600 điểm sẽ lại chịu thử thách lần nữa trong tuần tới.

Tiếp tục xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ  

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Như vậy, sau 4 phiên điều chỉnh liên tiếp, thị trường đã có phiên bật tăng đầy kịch tính với sự giúp sức của các mã trụ quen thuộc trên thị trường. Động lực chính giúp thị trường không điều chỉnh sâu trong giai đoạn này tiếp tục là những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết còn lại được công bố, kết hợp với kỳ vọng của dòng tiền đối với nhóm các cổ phiếu trong danh mục thoái vốn của SCIC.

Tuy vậy, những rủi ro từ bên ngoài vẫn hiện hữu, đặc biệt là yếu tố tỷ giá trong giai đoạn cuối năm khi đồng CNY đang tiếp tục có dấu hiệu suy giảm mạnh so với đồng USD sau khi những số liệu công bố mới đây cho thấy hoạt động thương mại trong tháng 10 của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, kết hợp với khả năng tăng lãi suất của FED vào thời điểm cuối năm. Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ trong ngắn hạn.diễn ra trong phiên tới.

Độ rủi ro điều chỉnh sâu phần nào giảm bớt sau phiên giao dịch tích cực ngày 12/11. Tuy vậy, vẫn chưa thấy xuất hiện xung lực đủ mạnh giúp thị trường bật tăng mạnh mẽ trở lại. Nhà đầu tư do vậy nên tránh trạng thái mua đuổi trong các phiên tăng của thị trường. Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để mua vào các mã đang thu hút được dòng tiền tích cực chịu sự điều chỉnh sâu trong vài phiên vừa qua.

Có thể sẽ vẫn kiểm tra và củng cố lại vùng hỗ trợ dưới  

(CTCK FPT - FPTS)

Có thể nói phiên giao dịch 12/11 đã gây bất ngờ cho đa phần nhà đầu tư khi chỉ số có phiên biến  động mạnh và tăng điểm về cuối phiên. Nổi lên trong phiên 12/11 là tín hiệu tích cực của dòng cổ phiếu thị giá cao, dẫn đầu là NCT và CTD. Khối nhà nhà đầu tư nội hoạt động tích cực, bất chấp việc khối ngoại bán ròng rất mạnh trên thị trường. Rõ ràng tâm lý đã có sự cải thiện nhất định, dòng vốn được đẩy mạnh tại vùng hỗ trợ của các chỉ số đang mở ra cơ hội ổn định trở lại của xu hướng ngắn hạn.

Trong phiên cuối tuần, nhà đầu tư duy trì sự thận trọng do các Index có khả năng sẽ tiếp tục kiểm tra và củng cố lại vùng hỗ trợ dưới. Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư với mức chịu rủi ro cao có thể cân nhắc trạng thái gia tăng của thanh khoản để mở lại trạng thái mua vào, đặc biệt là nhóm cổ  phiếu đang tạo lực hút mạnh đối với dòng tiền.

Rung lắc sẽ tiếp diễn tại vùng điểm hiện tại

(CTCK BIDV - BSC)                   

Việc thị trường hồi phục cuối phiên cho thấy lực cầu tại các mức giá thấp vẫn rất lớn, điều đó giúp thị trường tạm thời chưa đối mặt với một đợt điều chỉnh quá mạnh. Ngưỡng 600 là ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá vững, thị trường được kỳ vọng sẽ không kiểm định mốc này một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Những nhịp rung lắc sẽ tiếp tục xảy ra tại vùng điểm hiện tại. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mở vị thế mua tại các nhịp giảm sâu và nhanh chóng chốt lời khi có lãi, lưu ý không sử dụng margin tại thời điểm này.

 Khả năng quay trở lại xu hướng tăng chưa được đảm bảo

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường phiên 12/11 có diễn biến tich cực với lực cầu cuối phiên tăng mạnh, giúp hai chỉ số kết thúc phiên ở mức điểm cao nhất, đồng thời chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp. Mặc dù vậy, khả năng quay trở lại xu hướng tăng ngay sau phiên này vẫn chưa được đảm bảo. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế tâm trạng lạc quan thái quá và chỉ nên tiếp tục giải ngân với tỷ trọng nhỏ ở các mã chưa hồi phục mạnh.

Xu hướng điều chỉnh có thể đã kết thúc

(CTCK Maritime – MSI)

Trong phiên cuối tuần 13/1, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm. Xu hướng điều chỉnh có thể đã kết thúc, củng cố vững chắc đà tăng của thị trường. Dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh vào các nhóm cổ phiếu khác nhau, xem xét một số cổ phiếu đáng chú ý: SSI, BMI, FCN, TNG…

Có thể sớm lấy lại đà tăng

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Các chỉ số đã trả qua phiên phục hồi kĩ thuật sau 4 phiên giảm. Việc VN-Index đóng cửa trên 600 đang cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy vào thời điểm này. Vào lúc này, thị trường sẽ có có thể sớm lấy lại đà tăng do các yếu tố:

1) Kết quả kinh doanh quý III phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu và định giá của nhiều cổ phiếu vốn lớn đã không còn hấp dẫn trong ngắn hạn.

Các mã dẫn dắt đợt tăng vừa qua như VNM, FPT, BVH sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn hơn và không nghĩ rằng nhóm cổ phiếu này sẽ có thể bức phá mạnh xa hơn;

2) Khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 12 và khối ngoại đã tăng bán ròng trong vài phiên vừa qua;

3) Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước chưa phát đi tín hiệu cải bền vững;

4) Các yếu tố như TPP, tăng trưởng kinh tế tốt hơn cũng đã tham gia tích cực trong đợt tăng vừa qua và hiện nay nhà đầu tư đã quen với điều này. 

Một lần nữa, không quá bi quan khi các thị trường chỉ đang điều chỉnh và củng cố sau giai đoạn tăng kéo dài. Nền tảng thị trường nhìn chung được giữ vững và không có nhiều thông tin tiêu cực. Thêm vào đó, việc thị trường khá phân hóa trong đợt tăng vừa qua cũng khiến cho khả năng điều chỉnh sâu tiếp tục được đánh giá thấp.

Có thể thị trường cần có thời gian để củng cố trước khi tăng điểm trở lại với sự xuất hiện các xung lực mới như hướng dẫn nới room và kết quả kinh doanh quý IV, quý quan trọng nhất của năm, được kì vọng khả quan hơn. Trong ngắn hạn, kì  vọng thị trường có thể giao dịch trong vùng 590-615. Theo đó, nhà đầu tư nên chốt lời khi thị trường tiếp cận các ngưỡng kháng cự mạnh và hạn chế các hoạt động mua đuổi giá cao.  

 Có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index vẫn được duy trì, nhưng lưu ý khu vực 615 đến 640 điểm của chỉ số này sẽ là vùng thử thách khó khăn. Do xu hướng tăng chưa thay đổi, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt và áp dụng chiến thuật “để lãi chạy” nhưng nên hạn chế mở các vị thế mới.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục