Nhiều đại gia dệt may chuẩn bị “đổ bộ” lên sàn chứng khoán

Thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ đón thêm nhiều gương mặt tầm cỡ của ngành dệt may.

Nhiều đại gia lớn của ngành dệt may sẽ được cổ phầ hoá và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Nhiều đại gia lớn của ngành dệt may sẽ được cổ phầ hoá và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán

Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, giới đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng vào làn sóng của nhóm cổ phiếu dệt may trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sự có mặt của nhóm cổ phiếu này trên thị trường hiện chưa thực sự phong phú.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thực tế trên có thể sẽ thay đổi khi định hướng chung của ngành dệt may thời gian tới là sẽ hoàn thành cổ phần hóa nhiều đại gia lớn của ngành dệt may và đưa ngay các cổ phiếu này lên sàn chứng khoán.

Thời gian qua, trên thị trường cũng đã có một số đại diện ngành dệt may niêm yết như Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (mã GMC, sàn HOSE), Công ty cổ phần Vải sợi May mặc miền Bắc (mã TET, sàn HNX), Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM, sàn HOSE), Công ty cổ phần May Phú Thịnh - Nhà Bè (mã NPS, sàn HNX), Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (TNG, sàn HNX), Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK, sàn HOSE), Công ty cổ phần Thương mại may Sài Gòn (mã GMC, sàn HOSE)…

Đánh giá về các cổ phiếu dệt may đã niêm yết, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC) cho biết, Dệt may Thành Công sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất khi TPP có hiệu lực, vì đây là doanh nghiệp niêm yết duy nhất trong ngành đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ từ sợi trở đi của TPP.

Một số doanh nghiệp khác cũng thấy rõ cơ hội từ TTP như Sợi Thế Kỷ - doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi vải, hay G.Home - doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất bông… Ngoài ra, một tên tuổi đáng quan tâm khác là TNG - doanh nghiệp có doanh thu 9 tháng năm 2015 là 1.424 tỷ đồng (tăng trưởng 38%) và lợi nhuận 59 tỷ đồng (tăng trưởng 47%).

Trong danh sách các doanh nghiệp dệt may niêm yết, vẫn còn vắng bóng phần lớn các tên tuổi lớn của ngành dệt may. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi trong thời gian không xa, bởi thị trường chứng khoán sẽ là bệ đỡ cần thiết cho ngành dệt may đón được cơ hội lớn từ TPP.

Khi TPP có hiệu lực, thuế suất đối với các sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm về 0%, nhưng doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng điều kiện nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi. Do đó, các đại gia dệt may đều có nhu cầu huy động vốn để đầu tư chuỗi cung ứng và quảng bá được hình ảnh trước mắt các đối tác nước ngoài.

Câu chuyện đổ bộ lên sàn của các đại gia dệt may sẽ không phải là viễn cảnh quá xa, bởi nhiều đại gia đều đã rục rịch cho việc chuẩn bị lên sàn. Tổng công ty May Việt Tiến dự kiến sẽ lấy được mã giao dịch VGG, trong khi Tổng công ty May 10 cũng đã “đặt gạch” cho mình mã M10 để chuẩn bị cho việc niêm yết sau này. Ngay cả đại gia hàng đầu ngành dệt may là Tổng công ty Dệt may Việt Nam cũng đã xin được mã niêm yết VGT để chuẩn bị cho việc lên sàn trong một ngày không xa.

Ngoài những đại gia đã có mã niêm yết, các tên tuổi khác cũng không nằm ngoài dòng chảy chung và thị trường sẽ sớm được đón chào các đại gia hàng đầu ngành dệt may khác như Tổng công ty May Đức Giang, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng công ty May 28…

Nói về xu hướng tới đây trong hoạt động đầu tư vào ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cho biết, sẽ hình thành 3 hình thái rõ rệt: mua cổ phiếu doanh nghiệp dệt may, đầu tư trực tiếp và liên doanh liên kết. Liên quan đến việc đáp ứng điều kiện nguyên liệu, ông Giang cho biết, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt bình quân khoảng 50%. Dự kiến, với dòng vốn đầu tư trong thời gian qua, thì đến năm 2017, tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 70%.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục