Nhận định thị trường ngày 10/2: Áp lực bán vẫn còn

(ĐTCK) Diễn biến phiên 9/2 cho thấy sự chủ động của khối ngoại là rất lớn và đây là điều tích cực cho thị trường. Xin lưu ý rằng áp lực bán của thị trường có thể còn trong phiên ngày thứ Ba (10/2).
Nhận định thị trường ngày 10/2: Áp lực bán vẫn còn

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 10/2.

Thanh khoản sẽ tiếp tục thấp

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường diễn biến khá tiêu cực trong phiên 9/2 với áp lực bán dần tăng về cuối phiên. Điểm sáng trong phiên là nhóm cổ phiếu bất động sản diễn biến khá tích cực với nhiều mã duy trì được sắc xanh về cuối phiên, điển hình như VIC, TDH, DXG, KBC... Mặc dù vậy, đà hồi phục của nhóm cổ phiếu này còn khá yếu và không đủ để nâng đỡ thị trường. Trong khi đó nhóm cổ phiếu dầu khí giảm điểm đồng loạt và cổ phiếu ngành ngân hàng cũng chỉ giao dịch tích cực ở VCB, CTG và chủ yếu xuất phát từ lực cầu khối ngoại. Diễn biến thanh khoản yếu trên cả 2 sàn ở những phiên gần đây bên cạnh xuất phát từ lo ngại về tác động của Thông tư 36 còn do tâm lý nghỉ tết, hạ thấp tỷ lệ vốn vay margin của nhà đầu tư để tránh lãi suất trong kỳ nghỉ.

Thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong một vài phiên tới, cùng với đó là điểm số sẽ khó có khả năng tăng đột biến. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu các mã bluechip không giữ nhịp được cho thị trường như trong phiên hôm nay, khả năng điều chỉnh sâu của 2 chỉ số vẫn có thể xảy ra. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị giảm thiểu các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục, chỉ thực hiện tích lũy và nắm giữ một tỷ trọng trung bình thấp cho các vị thế trung hạn, tập trung vào các mã cơ bản thuần túy như nhựa, dược, chiếu sáng…

Cung cầu đang khá cân bằng

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục khá chậm rãi. Cũng tương tự như các năm trước, càng gần tết thanh khoản càng suy giảm do tâm lý nghỉ ngơi của khối nội đang diễn ra. Tuy vậy khối ngoại lại có dấu hiệu hoạt động tích cực trở lại với lượng mua vào đột biến lên tới hơn 16 triệu đơn vị trên HOSE. Đây là tín hiệu đáng chú ý cho thấy kỳ vọng tích cực của khối này đối với thị trường chung sau giai đoạn Tết Nguyên Đán.

Chúng tôi nhận thấy cung cầu trong giai đoạn này ở mức khá cân bằng. Thị trường trong các phiên tới khó có khả năng giảm sâu nhưng khả năng về việc bứt phá tăng mạnh cũng khó xảy ra. Do đó, nhà đầu tư tận dụng các dịp điều chỉnh của thị trường để tiến hành tích lũy tăng tỷ trọng cổ phiếu tốt trong danh mục, tập trung vào các mã có kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt trong năm 2014, hoặc có các thông tin hỗ trợ tích cực như chia cổ tức, kỳ vọng quý I/2015 tích cực. Tuy vậy nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin tại thời điểm hiện tại. 

Áp lực nguồn cung đang tập trung vào các bluechip

(CTCK MB - MBS)

Thị trường quay đầu giảm điểm phiên đầu tuần sau 3 phiên hồi phục kỹ thuật. Tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ Tết dài ngày khiến nhà đầu tư nội hạn chế giao dịch trong khi đó nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh giao dịch. Diễn biến phần lớn phiên giao dịch 9/2 duy trì mức tăng điểm khá tích cực nhờ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, BVH, VNM…Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng (BID, CTG, SHB, VCB…) và bất động sản (FLC, KBC, VIC…) tiếp tục được nhà đầu tư ngoại mua mạnh đã tác động khá tích cực tới diễn biến giao dịch. Đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trên HOSE với giá trị ròng đạt hơn 231 tỷ đã hỗ trợ khá lớn tới sức cầu thị trường trong bối cảnh chung ảm đạm. Tại HNX, nhà đầu tư ngoại cùng duy trì vị thế mua ròng với giá trị ròng đạt 17 tỷ đồng. Đây là diễn biến khá tích cực trong thời điểm hiện tại nhất là khi nhà đầu tư ngoại đang trong xu hướng mua ròng tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp.

Tuy nhiên, diễn biến trong phần lớn thời gian giao dịch thị trường duy trì trạng thái giằng co, các chỉ số biến động khá mạnh quanh mốc 575 điểm. Tuy nhiên áp lực bán gia tăng vào cuối phiên đã khiến các chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Có thể nhận thấy áp lực nguồn cung có sự tập trung vào các cổ phiếu bluechip trong nhóm vốn hóa lớn và VN30, trong đó GAS, HPG, KDC, CSM, GMD, FPT có mức giảm không lớn đã tạo lực kéo thị trường đi xuống. Nhóm VN30 không thực sự tăng mạnh thời gian qua, nhưng lại có mức giảm lớn trong những phiên gần đây nhất là ảnh hưởng tại HPG và KDC.

Rung lắc quanh mốc 572-573 điểm rồi giảm nhẹ

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường bắt đầu có dấu hiệu chốt lời sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp tuy nhiên lực bán chưa thực sự mạnh, nhà đầu tư không có tâm lý bán tháo bằng mọi giá.

Chúng tôi vẫn cho rằng thị trường tuần này sẽ tích cực hơn, điều chỉnh là cơ hội mua vào cổ phiếu và nắm giữ trong 2-3 tháng tới. Ngày 10/2, tâm lý chốt lời vẫn sẽ tác động đến thị trường và khiến cho VN-Index rung lắc quanh mốc 572-573 điểm nhưng kết thúc phiên có thể chỉ giảm nhẹ.

Có thể đảo chiều

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Hiệu ứng Tết đang diễn ra với nhà đầu tư nội nhưng điều đó lại không diễn ra với nhà đầu tư ngoại. Họ vẫn đang miệt mài mua vào đẩy giá trị mua trong phiên 9/2 lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó nhà đầu tư nội đang bán ra do lo ngại kỳ nghỉ lễ dài nên áp lực bán này có thể sẽ duy trì thêm 1-2 phiên nữa.

Trên đồ thị VN-Index đang cho thấy dấu hiệu thị trường có thể đảo chiều trong phiên ngày 10/2. Nếu như lực mua với nhóm Bank yếu đi thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng không vì thế mà phải lo ngại. Nhìn chung dòng tiền chưa vào thị trường có lẽ chỉ là tâm lý ngắn hạn, nhưng sau Tết mọi điều có thể sẽ khác. Nhà đầu tư vẫn có thể tích lũy cổ phiếu, đặc biệt là 1-2 phiên tới khi nhiều nhà đầu tư khác bán ra.

Áp lực bán có thể vẫn còn

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Diễn biến phiên 9/2 cho thấy sự chủ động của khối ngoại là rất lớn và đây là điều tích cực cho thị trường. Chúng tôi lưu ý áp lực bán của thị trường có thể còn trong phiên ngày thứ Ba (10/2). Dù vậy, sau thời gian này, cửa tăng của thị trường sẽ sáng sủa hơn khi áp lực chốt hàng trước Tết không còn mạnh trong khi khả năng khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng là khả thi.

Với các nhà đầu tư thận trọng và không muốn chịu rủi ro, một tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt là lựa chọn hợp lý để hạn chế những biến động thông tin khó kiểm soát trong kỳ nghỉ lễ kéo dài. Với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn hơn, việc tận dụng pha điều chỉnh hiện nay để gia tăng một phần tỷ trọng và nắm giữ qua tết có thể tạo ra lợi thế ngắn hạn (nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao hơn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục