Bước vào phiên giao dịch chiều, sau rung lắc nhẹ đầu phiên, với sự hỗ trợ từ lực cầu ngoại, nhiều mã đã đảo chiều hoặc nới rộng đà tăng, giúp VN-Index lên lại sát ngưỡng 577 điểm. Tuy nhiên, giống như phiên sáng, ngưỡng 577 điểm không thể chinh phục, mà VN-Index sau đó giằng co quanh ngưỡng 576 điểm trước khi lực bán mạnh cuối phiên, nhất là đợt ATC kéo chỉ số này xuống dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ. Kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.
Trong khi đó, trên HNX, do không nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn như trên HOSE, nên chỉ số HNX-Index dao động trong sắc đỏ suốt phiên chiều.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 0,58 điểm (-0,1%), xuống 573,55 điểm. VN30-Index giảm 0,92 điểm (-0,15%), xuống 594,77 điểm. Độ rộng của thị trường được mở rộng theo hướng tiêu cực khi kết thúc phiên sàn HOSE có 79 mã tăng và 132 mã giảm, nhóm VN30 số mã giảm cũng gấp đôi số mã tăng (16 mã giảm so với 8 mã tăng).
Thanh khoản phiên hôm nay được cải thiện hơn so với phiên cuối tuần trước, nhưng vẫn ở mứ thấp khi tổng khớp hơn 71,3 triệu đơn vị, giá trị 1.232,86 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,6 triệu đơn vị, giá trị 152,58 tỷ đồng.
Tương tự, trên HNX với 113 mã giảm trong khi chỉ có 71 mã tăng, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,65%), xuống 83,33 điểm. HNX30-Index giảm 1,27 điểm (-0,78%), xuống 161,19 điểm. Tổng khối lượng đạt 40,67 triệu đơn vị, giá trị 456,35 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15 triệu đơn vị, giá trị 121,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đột biến chủ yếu do đóng góp của 13,57 triệu cổ phiếu NVB, giá trị 95 tỷ đồng được thực hiện trong phiên chiều.
Với sự hỗ trợ tích cực của cầu ngoại, các mã lớn như VCB, CTG, VIC, DPM, BVH, cũng như KBC vẫn giữ được đà tăng, trong khi BID lại đóng cửa trong sắc đỏ, còn PVD và FLC cũng chỉ đủ sức ở mức tham chiếu.
Trong phiên chiều, lực cầu ngoại mạnh giúp FLC có thanh khoản tốt với tổng thanh khoản cả ngày lên 8,38 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào 2,36 triệu đơn vị. CTG được khớp 3,88 triệu đơn vị, khối ngoại mua vào 1,33 triệu đơn vị, KBC được khớp 3,82 triệu đơn vị, khối ngoại mua 1,82 triệu đơn vị, VCB được khớp hơn 1 triệu đơn vị, thì khối ngoại mua vào gần 0,66 triệu đơn vị, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào chiếm tới gần 81% tổng khớp của BVH…
Trong khi đó, trên HNX, thanh khoản bị tắc khi dòng tiền gần như đã rút ra đứng nhìn. Những mã vốn có thanh khoản cao trên sàn này như KLF, SHB, SCR, thanh khoản cũng sụt giảm khá mạnh và đều có dư bán lớn hơn dư mua. KLF và SHB được khớp lớn nhất với hơn 3 triệu đơn vị, trong đó, SHB dù được khối ngoại mua vào mạnh, nhưng cũng không duy trì được sắc xanh, trong khi KLF giảm nhẹ 1 bước giá.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng gần 1,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 17 tỷ đồng trên HNX. Trên HOSE, khối này mua vào hơn 14,8 triệu đơn vị.
Như vậy, trong khi dòng tiền trong nước đang ngập ngừng và rút dần ra khỏi thị trường do tác động của Thông tư 36, thì nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực gom vào, nhất là ở các mã ngân hàng. Đây có thể là tín hiệu cho thấy, dòng bank vẫn duy trì được sự hấp dẫn và có khả năng sẽ trở lại mạnh trong năm 2015. Nếu điều này xảy ra, nhiều khả năng ám ảnh của Thông tư 36 sẽ qua nhanh và thị trường sẽ lấy lại đà tăng tốt sau kỳ nghỉ Tết với sự dẫn dắt của dòng ngân hàng và có thể có thêm nhóm bất động sản với kết quả kinh doanh khả quan đang được công bố.