Để tránh hai nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới. Đây là sứ mệnh của toàn dân tộc”, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2016 vừa tổ chức tại TP. HCM.
Cũng theo ông Lịch, Việt Nam đang trong thời đại mà sự “thắng-thua” trên thương trường không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo.
“Doanh nghiệp Việt Nam cần một môi trường khả dĩ để nuôi dưỡng sự sáng tạo, một thể chế kinh tế mà ở đó sự phân phối quyền lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường, còn Nhà nước phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường… Từ năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước xu hướng như vậy”, ông Lịch nhấn mạnh.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta đã đi qua năm 2015 với niềm lạc quan là kinh tế đã phục hồi và lạm phát ổn định. Tuy nhiên, cần phải lưu ý hai điểm quan trọng, đó là ai làm kinh tế phục hồi và ai được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi đó.
Theo TS Thiên, năm 2015, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp phần lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế nên cũng được hưởng nhiều lợi nhuận từ sự phục hồi này. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chuyển biến chưa mạnh, thậm chí ngành hàng từng được coi là thế mạnh như nông nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm 60% tổng kim ngạch.
“Kinh tế phục hồi sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển hơn, trong khi lại không thể lan tỏa tới doanh nghiệp nội địa”, ông Thiên nhìn nhận.
Cũng theo ông Thiên, năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng 22,4% so với trước đó. 2 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tuy vẫn tăng, nhưng số đóng cửa cũng không kém, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Vấn đề này cần đặc biệt quan tâm.
“Doanh nghiệp trong nước ngày càng nhỏ đi cả về tầm vóc và quy mô, trong khi ‘trò chơi’ ngày càng lớn đòi hỏi đẳng cấp ngày càng cao. Vậy chúng ta sẽ ‘chiến đấu” như thế nào?”, ông Thiên đặt câu hỏi và tỏ ra quan ngại cho kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2016, trước những khó khăn trước mắt như giá dầu vẫn được dự báo ở mức thấp, nên thu ngân sách sẽ còn khó khăn; kinh tế Trung Quốc được dự báo xuống hạng và Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư sang thị trường Việt Nam; tình trạng nhiễm mặn và hạn hán đã vượt qua các mức dự báo rất nhanh và có thể đến mức độ công bố thiên tai. Nước mặn xâm nhập sẽ tác động tiêu cực trong dài hạn.
“Có thể năm 2016 kinh tế vẫn phục hồi và GDP vẫn tăng, nhưng sự phục hồi của các doanh nghiệp nội địa vẫn diễn ra khó khăn, đó là chưa đánh giá hết các tác động tiêu cực. Chính vì vậy năm 2016 vẫn phải đẩy mạnh ‘năm doanh nghiệp quốc gia”, trong đó vấn đề ‘sức khỏe’ doanh nghiệp cần xử lý kiên quyết”, ông Thiên nói.
Đánh giá một số tác động của việc hội nhập sau khi các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Công thương nhìn nhận, khi hội nhập sâu, mỗi biến động nhỏ sẽ tác động rất nhanh đến nền kinh tế. Ví dụ cụ thể nhất là năm 2015, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 7,9% thấp hơn 2% so với mục tiêu đề ra do giá dầu giảm, giá nông sản trên thị trường thế giới giảm…
Theo ông Phú, việc mở cửa nền kinh tế giúp doanh nghiệp có dung lượng thị trường lớn, nhưng thách thức sẽ nhiều hơn lạc quan. Bởi khi đã mở cửa, không còn lý do nào ngăn cản hàng hóa của các nước tràn vào thị trường Việt Nam.
“2 tháng đầu năm 2016, dự án đầu tư ở các lĩnh vực của các doanh nhân Hàn Quốc vào Việt Nam tăng vọt. Họ đã tận dụng cơ hội khi ta đang đàm phán FTA. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vì hạn chế về vốn, kinh nghiệm nên vẫn chưa tận dụng được các cơ hội đầu tư từ các Hiệp định thương mại”, ông Phú lo ngại và cho biết: “Chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn ‘kép’ khi hàng hóa của nước ngoài tràn vào, trong khi hàng hóa xuất đi cũng không hề dễ dàng bởi nước ngoài đang áp dụng rất nhuần nhuyễn nhiều rào cản phi thương mại để hạn chế hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, nhóm hàng thủy sản đang chịu nhiều áp lực từ những hàng rào phi thuế quan này”.