Nhận diện lỗ hổng trong công nghiệp hỗ trợ

Phân tích chính xác những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển để xây dựng chiến lược đúng đắn cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong thời gian tới là điểm mấu chốt hiện nay.
Nhận diện lỗ hổng trong công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công thương đang dự thảo Nghị định Phát triển CNHT với mục tiêu tạo ra đột phá trong phát triển CNHT tại Việt Nam. Trong diễn tiến này, việc nhìn nhận những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển để đưa ra những giải pháp đúng đắn cho CNHT là rất quan trọng. Theo các chuyên gia, có 5 nguyên nhân chính đang cản trở cho phát triển CNHT. 

Thứ nhất, thể chế phát triển CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa có quan điểm rõ ràng về CNHT cho công nghiệp ô tô, cơ chế vận hành không bám sát nhu cầu thị trường. Từ đó, lúng túng trong việc đề ra các chính sách và chưa giải quyết được những khó khăn đặc trưng của CNHT ô tô.

Thứ hai, các chính sách về CNHT nhiều nhưng thiếu hiệu quả, chưa đủ mạnh, doanh nghiệp chưa thấy được những yêu cầu hay ưu đãi mà họ sẽ có, nội dung còn quá chung chung, không đặc thù đối với lĩnh vực CNHT ô tô nên chưa phát huy được tác dụng và hỗ trợ tốt. Những văn bản pháp quy ở dạng quy phạm pháp luật cao hơn, cụ thể và sát thực rõ ràng hơn, xây dựng các rào cản kỹ thuật cần thiết cho từng chủng loại sản phẩm của CNHT đến nay vẫn chưa có.

Thứ ba, sự kết hợp giữa chính sách của các ngành liên quan còn yếu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các ưu đãi không dễ dàng do thủ tục, quy trình thường phức tạp giữa các cơ quan và thiếu tiêu chí cụ thể. Trong thực tế, các doanh nghiệp CNHT chỉ được hưởng các ưu đãi ngang với doanh nghiệp cùng loại kinh doanh lĩnh vực khác.

Thứ tư, sự ưu đãi cho ngành CNHT hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn. Trong khi các doanh nghiệp CNHT thường là nhỏ và vừa, lại gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Điều 4 của Quyết định 12/2011/QĐ-TTg chỉ có thể thực hiện được đối với các doanh nghiệp lớn, dự án lớn, nhưng rất khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, là đối tượng chính sản xuất CNHT.

Thứ năm, CNHT chưa phát triển theo mô hình thượng nguồn gồm cơ khí chế tạo chi tiết; sản xuất linh kiện điện tử; linh kiện đồ nhựa; sản phẩm hóa chất... Với mô hình này, các sản phẩm CNHT đáp ứng cho nhiều ngành nghề, trong đó có ô tô, từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất và tập trung được nguồn lực đầu tư. Do vậy, chưa tạo ra được các cụm tổ hợp (cluster) CNHT để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nhau qua đó áp dụng chính sách nhà nước một cách trực tiếp và thống nhất.

Từ việc nhìn nhận các yếu điểm hiện nay, việc phát triển CNHT cho ô tô có thể đi theo hướng phát triển CNHT đảm bảo tuân theo quy luật cơ chế thị trường ô tô trong nước và quốc tế; lấy doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt đi theo và nằm trong các cụm tổ hợp CNHT. Trên cơ sở thu hút nhà đầu tư ô tô chiến lược FDI và hệ thống CNHT đi kèm, cần có chính sách khuyến khích các nhà cung cấp của nhà đầu tư này vào CNHT.

Cần lựa chọn mô hình và cấu trúc phát triển CNHT phù hợp vùng miền, theo đó cân nhắc xây dựng 3 cụm tổ hợp CNHT ở 3 miền Bắc, Trung, Nam trên cơ sở lấy các doanh nghiệp lắp ráp ô tô mạnh làm trung tâm đi kèm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (ví dụ ở miền Trung có thể lấy Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải), từ đó có chính sách đặc biệt ưu đãi thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia, ­­tăng cường liên kết trong và giữa các cụm này.

Chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghệ cao rất đa dạng và đa ngành nên cần xác định rõ ưu tiên cho từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm.

Phát triển CNHT cần tranh thủ sự hỗ trợ của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc. Cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNHT và cơ chế ưu đãi tài chính, cho vay, đất đai và cơ sở hạ tầng… đi kèm thích hợp để thu hút đầu tư trong nước.

Mai Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục