Nhìn vào gương sáng Thái Lan
Với mục tiêu đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành Detroit tại châu Á, Thái Lan đã có 2.500 DN sản xuất linh kiện, trong đó gần 400 nhà sản xuất chuyên về phôi đúc hoặc rèn. Điều này khiến Thái Lan từ chỗ từng bước nội địa hóa phụ tùng đã chuyển sang xuất khẩu cả ô tô với linh kiện được sản xuất tại chỗ.
Ngay từ năm 1996, Chính phủ Thái Lan đã có những quy định chi tiết về tỷ lệ nội địa hóa, với yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa là 40% với xe tải nhỏ, 54% với xe tải khác và động cơ diesel phải được sản xuất trong nước.
Hiện nay, khi đã hội đủ năng lực nền tảng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Thái Lan có chính sách buộc các nhà đầu tư nước ngoài đã ổn định trong sản xuất phải điều tiết, thay đổi để tuân thủ nghiêm tỷ lệ nội địa hóa trên.
Điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ có thêm những dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất ngay tại chỗ, mà còn kéo theo nhiều DN, tập đoàn lớn từ chính nước họ sang đầu tư ở Thái Lan để mở thêm các cơ sở công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, Thái Lan đang đứng đầu các nước ASEAN về phát triển CNHT.
Thực trạng về CNHT tại Việt Nam
Tại Việt Nam, theo , các chuyên gia, tùy thuộc theo khả năng của từng DN mà có thể phân ra làm 3 nhóm CNHT.
Nhóm 1 là, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tự đầu tư máy móc, trang thiết bị để tự sản xuất các chi tiết, linh kiện trong ô tô. Hiện có 56 DN hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trên tất cả các loại xe.
Các DN này thường lựa chọn đầu tư sản xuất vào một số loại linh kiện có kích thước cồng kềnh hoặc chi tiết gia công cơ khí có yêu cầu độ chính xác không cao, như thùng xe, bộ ống xả, một số chi tiết đơn giản của nội và ngoại thất xe tải và xe khách.
Nhóm 2 là, hệ thống các cơ sở sản xuất nội địa, với đa số là các DN trong các ngành cơ khí, cao su, nhựa, điện, điện tử (đã có từ trước). Khi ngành sản xuất ô tô hình thành và phát triển, các DN này đã phát triển thêm sản phẩm mới của mình là linh kiện, phụ tùng ô tô.
Tuy nhiên, đặc điểm chung của nhóm DN này là thiếu sự đầu tư chuyên sâu thích đáng. Vì thế, chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định, sức cạnh tranh chưa cao, chưa tạo được lòng tin đối với các nhà lắp ráp. Đáng chú ý nhất trong tiến trình phát triển ngành CNHT là sự có mặt của nhóm 3, với các DN FDI.
Vốn là các bạn hàng lâu năm của các thương hiệu nổi tiếng trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, nhiều DN đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam theo mời gọi của các nhà sản xuất ô tô quốc tế.
Tuy nhiên, quy mô, năng lực các DN FDI cung cấp phụ tùng hiện không lớn, vì hầu hết đều là những DN nhỏ và vừa, lại không chỉ sản xuất linh kiện ô tô, mà còn sản xuất nhiều loại sản phẩm khác. Song những DN này gần như chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống có sẵn của mình, ít khi làm theo đơn đặt hàng của các nhà máy lắp ráp, vì sản lượng nhỏ.
Đại diện CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), đơn vị đang rất nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các linh phụ kiện ô tô bằng nhiều con đường cho biết, ngành CNHT Việt Nam còn rất yếu kém so với nước ngoài. Nếu so sánh, thì ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Indonesia, 1/8 so với Malaysia và 1/50 so với
Thái Lan. Bên cạnh đó, do sức cạnh tranh quốc tế của CNHT sản xuất ô tô còn yếu,, nên hàng năm, ngành sản xuất ô tô Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn linh kiện, phụ tùng, với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.
Thành tích bước đầu
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, các DN tại Việt Nam, gồm cả DN trong nước và DN FDI đã sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng ô tô, như các chi tiết cấu thành khung thùng xe, vỏ cabin - cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, hệ thống dây dẫn điện trong ô tô, trục dẫn, vành bánh xe, nhíp, ống xả, ruột két nước, một số chi tiết nhựa và composite... cho xe tải và xe khách.
Đặc biệt, gần đây, Thaco đã sản xuất được cản chắn xe du lịch KIA K3, có giá trị kỹ thuật cao, xuất khẩu sang Malaysia, tham gia chuỗi giá trị khu vực ASEAN.