Nhận diện gian lận ngầm ẩn trong báo cáo tài chính

(ĐTCK)  Sau mỗi mùa kiểm toán, soát xét, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu “làm đẹp” báo cáo tài chính lại lộ diện. Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Giám đốc Kiểm toán, Công ty Kiểm toán An Việt trao đổi với Đầu tư Chứng khoán quanh những vấn đề liên quan đến câu chuyện này.
Nhận diện gian lận ngầm ẩn trong báo cáo tài chính

Ông đánh giá thế nào về chất lượng báo cáo tài chính tự lập của các DN niêm yết hiện nay?

Các DN niêm yết ngoài việc công bố báo cáo tài chính năm còn phải công bố báo cáo tài chính giữa niên độ. Các báo cáo bán niên và báo cáo năm phải được soát xét và kiểm toán bởi các kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Giám đốc Kiểm toán, Công ty Kiểm toán An Việt.

Do vậy theo logic thông thường thì các DN niêm yết phải lập  báo cáo tài chính với mức độ cẩn trọng cao hơn các DN phi niêm yết để tránh tình trạng số liệu báo cáo tài chính sau kiểm toán hay soát xét có sự khác biệt với báo cáo trước kiểm toán/soát xét.

Tuy nhiên thực tế trên thị trường cho thấy, còn khá nhiều báo cáo tài chính của các DN niêm yết lập chưa thực sự đảm bảo chất lượng, còn nhiều sai sót từ việc hình thức trình bày đến việc ghi nhận, đo lường và báo cáo các thông tin tài chính. 

Những thủ thuật nào thường được DN sử dụng để làm đẹp, gian lận báo cáo tài chính? Nguyên do nào khiến DN phải làm vậy?

Hầu hết các thủ thuật để làm đẹp hay gian lận báo cáo tài chính ở các thị trường phát triển đã được nhiều DN niêm yết Việt Nam học và áp dụng.

Các thủ thuật được áp dụng theo hướng báo cáo tăng hay giảm lợi nhuận tùy thuộc vào động cơ của Ban lãnh đạo trong từng giai đoạn cụ thể. Với các công ty mới thay đổi ban lãnh đạo thì các công ty có thể sử dụng các thủ thuật như “take a big bath” (1) hay sử dụng “cookie jar reserve” (2).

Đối với các công ty muốn huy động thêm vốn hoặc giữ giá cổ phiếu thì họ sử dụng các thủ thuật làm đẹp lợi nhuận để đạt các chỉ tiêu kế hoạch, hay kỳ vọng của nhà đầu tư.

Các thủ thuật thường sử dụng có thể kể đến như “Big bet on the future” (3) thông qua việc thay đổi tỷ lệ kiểm soát các công ty con để ghi nhận các khoản lãi do đánh giá lại khoản đầu tư, hay sử dụng bán và tái thuê “sale and leaseback” (4) với các giao dịch được cơ cấu nhằm ghi nhận lợi nhuận do bán và tái thuê… 

Vậy sau khi đã được soát xét, kiểm toán, những thủ thuật trên liệu có được phát hiện và các con số từ DN có đáng tin cậy không, theo ông?

Về nguyên tắc, kiểm toán viên và công ty kiểm toán trong một cuộc kiểm toán phải tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính của công ty khách hàng có sai sót trọng yếu hay không.

Đối với dịch vụ soát xét báo cáo tài chính, một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán và do vậy không cho phép kiểm toán viên đạt được sự đảm bảo rằng, họ sẽ nhận biết được tất cả các vấn đề trọng yếu có thể được phát hiện trong một cuộc kiểm toán. Do đó, mức độ đảm bảo của báo cáo soát xét thấp hơn mức độ đảm bảo của báo cáo kiểm toán.

Với đặc thù của công việc kiểm toán, kể cả khi kiểm toán viên tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực chuyên môn thì vẫn có khả năng báo cáo tài chính được kiểm toán hay soát xét có chứa đựng các sai sót trọng yếu.

Bên cạnh đó, do áp lực cạnh tranh về giá phí trong thị trường dịch vụ kiểm toán Việt Nam nên chất lượng báo cáo kiểm toán cũng bị ảnh hưởng, đó là không kể đến một số trường hợp cá biệt các kiểm toán viên đã không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. 

Thực trạng xử lý các DN có sai sót trên báo cáo tài chính tự lập hiện nay như nào, thưa ông?

Các sai sót liên quan đến báo cáo tài chính chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì chế tài xử lý theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP là chịu mức phạt từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng. Trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng thì xử lý hình sự theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên việc xác định ảnh hưởng thiệt hại từ các sai sót của báo cáo tài chính là không đơn giản nên việc áp dụng chế tài hình sự hiếm khi được
thực hiện. 

Ông có lưu ý gì đến các nhà đầu tư về những DN có lịch sử làm đẹp báo cáo tài chính?

Người sử dụng báo cáo tài chính cần phải có kiến thức nhất định về tài chính - kế toán. Các DN đã có lịch sử làm đẹp báo cáo tài chính thì cần cẩn trọng hơn và cần xem xét cả ảnh hưởng của các gian lận đã được phanh phui cũng như khả năng các gian lận hiện hữu trong báo cáo tài chính của kỳ hiện tại.

Các nhà đầu tư nên sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau kết hợp với thông tin trên báo cáo tài chính, để có các đánh giá đúng hơn cho các quyết định đầu tư của mình.

1. “Take a big bath”: Công ty xóa những khoản mục treo trên bảng cân đối kế toán;

2. “Cookie jar reserve”: Tạo ra cookie jar - lọ kẹo ngọt từ các khoản dự phòng, trì hoãn ghi nhận doanh thu hoặc ghi nhận trước chi phí nhằm mục tiêu để dành lợi nhuận.

3. “Big bet on the future”: Áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại thông qua việc thay đổi tỷ lệ kiểm soát các công ty con để ghi nhận các khoản lãi do đánh giá lại khoản đầu tư;

4. “Sale and leaseback”: bán tái mua/tái thuê với các giao dịch được cơ cấu nhằm ghi nhận lợi nhuận do bán và tái thuê…

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục