Phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là hướng đi của các quốc gia nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo.
Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển dòng năng lượng “xanh”, trong bối cảnh dư địa phát triển thêm các nhà máy thủy điện không còn và hạn chế các nhà máy điện than, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tính đến tháng 9/2019, tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời đang vận hành đạt 4.442 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch sơ đồ điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020).
Đáng nói là sự phát triển quá nhanh của các dự án điện mặt trời, trong khi hệ thống truyền tải điện không theo kịp, dẫn tới tình trạng quá tải của lưới điện.
Nhiều nhà máy điện mặt trời đã phải xả bỏ tới 60% công suất, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư. Nơi thừa cứ thừa, nơi thiếu điện vẫn thiếu.
Tại Hội thảo “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Từ chính sách tới thực tiễn”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát triển năng lượng Sơn Vũ phản ánh, trước khi ký được hợp đồng bán điện với EVN, doanh nghiệp phải cam kết giảm công suất phát, trong khi giờ phát của điện mặt trời rất ngắn, một năm chỉ khoảng 2.000 giờ.
“Nếu phải giảm phát đến 30 - 40%, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là khó khăn trong việc vay vốn”, ông Ngọc nói.
Việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời trong thời gian vừa qua cũng gây khó khăn cho các địa phương trọng điểm về phát triển dự án năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND Ninh Thuận cho biết, quá trình khai thác những tiềm năng và lợi thế tại địa phương này gặp một số vướng mắc về quy hoạch.
Đặc biệt, quy hoạch đất đai là khó khăn lớn nhất đối với các địa phương hiện nay, bởi không có định hướng phát triển và định hình pháp lý trong việc triển khai các dự án.
Cùng quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những điểm nghẽn trong triển khai quy hoạch điện mặt trời là vấn đề quy hoạch đất đai. Điểm nghẽn này cần được giải tỏa để năng lượng tái tạo phát triển mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, cần đồng bộ quy hoạch đất đai với câu chuyện năng lượng.
“Vấn đề truyền tải thì chúng ta đã chia sẻ rất nhiều, tuy nhiên có một điểm nghẽn mà chúng ta chưa bàn đến nhiều là quy hoạch năng lượng cũng cần phải gắn với quy hoạch vốn. Chúng ta cần khoảng 100 tỷ USD để phát triển thì tiền ở đâu ra? Các dự án sẽ phải giảm phát khoảng 30%, vậy năng lực để doanh nghiệp trả các khoản vay tín dụng ngân hàng, kể cả tín dụng xanh sẽ có vấn đề”, ông Ánh nhìn nhận.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, về nguyên tắc, quy hoạch năng lượng tái tạo là phải phân tán, không tập trung quá mạnh, quá nhiều vào một địa phương. Cách phân tán như vậy giúp chúng ta không bị áp lực về lưới truyền tải. EVN đề nghị các chủ đầu tư chung tay để xây dựng hệ thống truyền tải.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, cần cho phép tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải là một trong những giải pháp để đảm bảo cho các dự án điện mặt trời phát được hết công suất và tránh được các điểm tắc nghẽn.
“Hiện nay, các dự án truyền tải do đều Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trực tiếp đầu tư. Việc sử dụng vốn Nhà nước đầu tư phải thông qua các thủ tục theo quy định nên ở một số dự án cần triển khai nhanh thì có thể tốc độ xây dựng không nhanh bằng tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải. Như vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, Bộ Công thương rất ủng hộ xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải”, ông Tuấn Anh nói.