Nhắc chuyện trách nhiệm người tham gia bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người tham gia bảo hiểm cần nhận thức rõ rằng, hợp đồng bảo hiểm là tài sản của mình, nhưng cũng là một giao dịch pháp lý, nên phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký.
Cần nắm rõ các điều khoản trước khi ký vào hợp đồng bảo hiểm Cần nắm rõ các điều khoản trước khi ký vào hợp đồng bảo hiểm

Từ câu chuyện “chơi” bảo hiểm

Một ngày bước vào tiệm làm tóc thấy chị làm tóc hào hứng kể chuyện với khách rằng, chị mới “chơi” một hợp đồng bảo hiểm. Tôi cười, nhưng cũng rất ngạc nhiên vì không hiểu sao chị lại gọi việc tham gia bảo hiểm là “chơi”. Vì “chơi” nghĩa là chị chưa nghiêm túc với quyết định này, trong khi bảo hiểm là kế hoạch tài chính dài hạn, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng trước khi tham gia.

Trên thực tế, tư duy “chơi” bảo hiểm cũng như chưa hiểu đúng, hiểu hết ý nghĩa thực sự của bảo hiểm nhân thọ như trên không phải là hiếm. Đáng nói hơn là nhiều khách hàng vẫn có tư duy “phó thác” hết cho tư vấn viên bảo hiểm, mà không đọc kỹ hoặc tìm hiểu các điều khoản, nội dung hợp đồng khi đặt bút ký kết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, song yếu tố chính vẫn đến từ nhận thức chưa đầy đủ về bảo hiểm của người tham gia, cũng là một trong những lý do khiến các vụ kiện tụng, tranh chấp về tư vấn bảo hiểm “chưa đúng, chưa đủ” vẫn luôn xảy ra trên thị trường.

Một người tham gia bảo hiểm nhân thọ chia sẻ rằng, vì tin tưởng nhân viên ngân hàng nên chị đã ký khống lên giấy và để cho nhân viên tự ý kê khai thông tin. Đến khi tranh chấp xảy ra và hợp đồng đã qua 21 ngày cân nhắc, chị mới đọc lại thông tin thì mới biết mình bị “lừa”. Khi đến công ty bảo hiểm trình báo, chị thất vọng vì công ty bảo hiểm không hỗ trợ hoàn phí.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng như quy định trong hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có nghĩa vụ kê khai các thông tin theo yêu cầu trên “Đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ” một cách trung thực, đầy đủ, chính xác để công ty bảo hiểm đánh giá được khả năng chấp nhận bảo hiểm cho khách hàng.

Giới chuyên gia từng nhiều lần khuyến cáo người mua bảo hiểm cần xem xét kỹ lưỡng để nắm rõ các quy định trong hợp đồng. Cụ thể, trước khi mua bảo hiểm, khách hàng được doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp giấy yêu cầu bảo hiểm để điền các thông tin liên quan như tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, yêu cầu bảo hiểm… Giấy này cũng ghi rõ, khách hàng có trách nhiệm đọc rõ các quy tắc, điều khoản bảo hiểm và cam kết cung cấp thông tin chính xác khi chấp nhận tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng được khuyến khích tìm hiểu thông tin khi tham gia bảo hiểm. Trong thời đại số hóa như hiện nay, các thông tin về hợp đồng bảo hiểm đều được đăng tải công khai trên trang thông tin chính thức của công ty bảo hiểm. Nếu có thắc mắc, khách hàng có thể liên hệ đường dây nóng của trung tâm hỗ trợ khách hàng của nhà bảo hiểm để nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất.

Tới người tiêu dùng thông thái

Để không bị “mua nhầm”, ngoài nỗ lực từ phía doanh nghiệp bảo hiểm hay cơ quan nhà nước, điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của khách hàng trong việc tìm hiểu sản phẩm, hợp đồng bảo hiểm.

Chị T.H, sống ở Hà Nội, là người đã tham gia bảo hiểm được 5 năm và chưa cần dùng tới bảo hiểm chia sẻ rằng, có một vài nguyên tắc người tham gia cần nắm rõ trước khi mua bảo hiểm.

Đầu tiên, phải trung thực khai báo về tình hình sức khỏe, tình trạng bệnh có sẵn…, vì khách hàng sẽ không được chi trả bảo hiểm khi bệnh tái phát nếu căn bệnh đó không được khai trong hợp đồng. Tiếp theo, cũng là nguyên tắc rất quan trọng là dù đã được nghe tư vấn, người tham gia bảo hiểm cũng cần tự mình đọc các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng, điểm nào chưa hiểu thì yêu cầu tư vấn viên giải thích rõ. Chỉ khi hiểu rõ các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng thì mới quyết định ký hợp đồng và sau khi tham gia thì phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Thứ ba, đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn trong 5 năm đầu tiên, hợp đồng đóng càng dài trong trường hợp hủy ngang sẽ được hoàn lại nhiều phí.

“Sau khi hợp đồng được cấp, tôi cùng chồng đã đọc kỹ hợp đồng để quyết định có duy trì hợp đồng hay không vì khách hàng có 21 ngày cân nhắc. Đến nay, tôi thấy quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ là đúng bởi nó đáp ứng mục tiêu bảo vệ của gia đình tôi về cả sức khỏe lẫn tài chính. Tôi nghĩ, mua bảo hiểm là quyền và lựa chọn của khách hàng, không ai có thể ép được. Nhưng khi khách hàng đã ký tên vào hợp đồng bảo hiểm thì họ cần có trách nhiệm với những gì đã ký để tránh phát sinh khiếu kiện về sau”, chị T.H chia sẻ thêm.

Theo đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Chẳng hạn, chủ động gọi điện thoại cho khách hàng để nhắc nhở và hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho khách hàng nếu có. “Mystery shopping”- một hình thức mua hàng ẩn danh cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng để kiểm tra và đánh giá chất lượng tư vấn của các nhân viên bán hàng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với ngân hàng về các chế tài nghiêm khắc nhất để xử lý nhân viên ngân hàng vi phạm.

Nguyên tắc là vậy, nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những trường hợp khách hàng chủ động tìm hiểu về bảo hiểm như chị T.H là rất hiếm. Trong khi đó, bảo hiểm là lĩnh vực phức tạp, nhưng công tác tuyên truyền về bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, cho đến nay, vẫn có nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm chưa hiểu hết nghĩa vụ, trách nhiệm khi đặt bút ký. Điều này đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm vô hình trung chấp nhận toàn bộ quy tắc, điều khoản mà doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất ghi âm và lưu trữ toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng trong thời hạn ít nhất 5 năm. Đây được xem là một thay đổi đáng kể giúp các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt hơn khi có sự kiện tranh chấp xảy ra.

Dù vậy, để không bị “mua nhầm”, ngoài nỗ lực từ phía các doanh nghiệp hay tổ chức nhà nước, điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của khách hàng trong việc tìm hiểu sản phẩm, hợp đồng bảo hiểm. Vì thế, người tham gia bảo hiểm hãy là người tiêu dùng thông thái, bởi khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm, điều duy nhất khách hàng hướng đến là được bảo vệ trước rủi ro, chứ không phải vướng vào tranh chấp với công ty bảo hiểm.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục