Nhà Trắng công bố chương trình R&D chất bán dẫn 11 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Nhà Trắng dự kiến chi 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, đồng thời sẽ ra mắt Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia (NSTC) trị giá 5 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm hãng sản xuất chất bán dẫn Wolfspeed ở bang North Carolina vào ngày 28/3/2023. Ảnh: AFP Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm hãng sản xuất chất bán dẫn Wolfspeed ở bang North Carolina vào ngày 28/3/2023. Ảnh: AFP

Đây là công bố mới nhất (ngày 9/2) của Nhà Trắng thúc đẩy các nỗ lực đưa Mỹ trở lại "ngôi vương" trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và Chips mang tính bước ngoặt vào tháng 8/2022. Đạo luật này ấn định 52,7 tỷ USD, bao gồm 39 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn và 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chất bán dẫn. Nó cũng tạo ra khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho việc xây dựng các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỷ USD.

Trọng tâm trong chương trình R&D chất bán dẫn của Nhà Trắng là xây dựng Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia, nơi sẽ tiến hành nghiên cứu và tạo khuôn mẫu công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia hoạt động theo mô hình "quan hệ đối tác công tư mà chính phủ, khách hàng trong ngành, nhà cung cấp, học giả, doanh nhân, nhà đầu tư mạo hiểm cùng nhau đổi mới, kết nối, giải quyết vấn đề và giúp người Mỹ cạnh tranh trên thế giới".

Các ưu tiên nghiên cứu năm 2024 của Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia bao gồm xác định các chương trình nghiên cứu bắt đầu sớm; ra mắt Cộng đồng lợi ích NSTC - một chương trình đăng ký trước, miễn phí dành cho các bên liên quan quan tâm để cung cấp đầu vào cho các dịch vụ và cấu trúc chương trình của NSTC; đầu tư vào lực lượng lao động bán dẫn; lên kế hoạch đầu tư ít nhất hàng trăm triệu USD cho lực lượng lao động của NSTC, bao gồm cả việc thành lập Trung tâm lực lượng lao động xuất sắc ở nhiều vùng.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết nỗ lực thực hiện chương trình R&D chất bán dẫn là một phần của "chiến lược công nghiệp xoay quanh chip" nhằm ngăn chặn tình trạng mất việc làm ở nước ngoài và tạo thêm việc làm cho người Mỹ. "Một quốc gia không thực hiện R&D là một quốc gia yếu kém", Bộ trưởng Jennifer Granholm nhấn mạnh. "Chúng ta sẽ không yếu kém nữa", bà Granholm nói thêm.

Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia sẽ thành lập một quỹ đầu tư để giúp các công ty bán dẫn mới nổi cải thiện công nghệ theo hướng thương mại hóa.

Đạo luật Khoa học và Chips năm 2022 của Mỹ cũng xây dựng Chương trình Sản xuất Đóng gói Tiên tiến Quốc gia (NAPMP) và các viện sản xuất chế tạo chuyên về chất bán dẫn.

Bà Raimondo cho biết Bộ Thương mại có kế hoạch thực hiện một số khoản tài trợ cho hoạt động sản xuất chip trong vòng hai tháng. "Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán thực sự phức tạp và đầy thách thức với các công ty này", Bộ trưởng Raimondo nói thêm.

Mặc dù không nêu tên cụ thể của các công ty sắp nhận tài trợ, nhưng Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết: Trong "6 đến 8 tuần tới, sẽ có thêm một số công bố nữa. Đó là điều chúng tôi đang phấn đấu".

Chương trình sản xuất chất bán dẫn nhằm trợ cấp cho việc sản xuất chip và đầu tư vào chuỗi cung ứng liên quan. Các khoản tài trợ sẽ giúp xây dựng nhà máy và tăng sản lượng.

Bà Raimondo nhấn mạnh: "Đây là những cơ sở đầu tiên sản xuất chất bán dẫn có độ phức tạp cao" ở Mỹ, đồng thời cho biết TSMC, Samsung, Intel là ba trong số các công ty đã đề xuất xây dựng các cơ sở này.

"Đây là những khoản đầu tư thế hệ mới – quy mô, độ phức tạp chưa từng được thực hiện trước đây ở đất nước này", Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh.

Theo Nhà Trắng, chất bán dẫn được phát minh ở Mỹ và đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, Mỹ hiện sản xuất chưa đầy 10% nguồn cung toàn cầu và không có sản phẩm chip tiên tiến nhất nào.

Nhiều thập kỷ trước, chính phủ Mỹ đã đầu tư gần 2% GDP vào nghiên cứu và phát triển. Vào thời điểm đó, các sáng kiến do chính quyền liên bang tài trợ đã giúp Mỹ dẫn đầu thế giới về đổi mới và tạo ra những tiến bộ công nghệ thay đổi cuộc sống như công nghệ GPS và Internet.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư đó của chính phủ Mỹ đã giảm xuống dưới 1%. Theo chương trình nghị sự đầu tư vào Mỹ của Tổng thống Biden, Đạo luật Khoa học và Chips ra đời nhằm mục đích thay đổi thực trạng trên bằng cách bơm khoản đầu tư mang tính lịch sử cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của Mỹ cũng như lực lượng lao động trong ngành này.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục