Nhà Trắng vẫn nhận thấy cơ hội giải quyết khủng hoảng nợ công

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 24/5, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vẫn nhìn thấy cơ hội đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Cộng hòa nhằm tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong bối cảnh các bên tiếp tục đàm phán tại Nhà Trắng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington DC., ngày 22/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington DC., ngày 22/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cuộc đàm phán trước đó giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa được tiến hành tại Đồi Capitol, song đã chuyển về Nhà Trắng ngày 24/5. Quá trình đàm phán đang trở nên gấp rút hơn bao giờ hết, khi đang đến gần sát ngày 1/6 - thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và nguy cơ sớm vỡ nợ, với khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD. Giới quan sát cho rằng có rất ít dấu hiệu cụ thể cho thấy hai bên đang tìm kiếm thỏa thuận về cách tăng trần nợ để cho phép chính phủ vay thêm tiền và tiếp tục thanh toán các hóa đơn sau ngày 1/6. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre mới đây đã khẳng định các cuộc đàm phán "vẫn diễn ra hiệu quả".

Thư ký Karine Jean-Pierre nêu rõ hai bên hoàn toàn có thể thống nhất một thỏa thuận chung về nâng trần nợ công. Bà cảnh báo viễn cảnh Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và nguy cơ về suy thoái kinh tế.

Các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công đến nay chưa mang lại kết quả, khi hai bên giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này. Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.

Trong một đề xuất mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nêu phương án đóng băng chi tiêu của chính phủ ở mức hiện tại nhằm giúp giảm 1.000 tỷ USD thâm hụt. Bà cho biết kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng vốn cam kết giảm thâm hụt 3.000 tỷ USD trong 10 năm và các biện pháp mới mà Tổng thống Biden đề xuất trong đàm phán sẽ giúp nâng mức giảm này.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế như đề xuất của chính quyền Tổng thống Biden, song cũng cho rằng việc đạt được tiến triển đàm phán là hoàn toàn khả thi. Đảng Cộng hòa khẳng định kế hoạch chi tiêu của họ sẽ cắt giảm thâm hụt 4.800 tỷ USD trong 10 năm, nhưng Nhà Trắng phản đối và cho rằng kế hoạch này sẽ khiến lợi ích đối với các tầng lớp giàu-nghèo càng mất cân bằng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục