Hoạt động kinh doanh sa sút
Tổng công ty Licogi (LIC) là doanh nghiệp chuyên ngành xây lắp thuộc Bộ Xây dựng với 28 công ty thành viên. Với bề dày 58 năm kinh nghiệm, Licogi từng là một trong những đội quân tinh nhuệ của Bộ Xây dựng, làm tổng thầu nhiều công trình lớn trên cả nước. Tuy nhiên, hiện tại, LIC không giữ được phong độ khi hoạt động kinh doanh sa sút.
Nếu như năm 2016, Licogi báo lỗ 436 tỷ đồng, thì sang năm 2017, tình trạng thua lỗ vẫn chưa được cải thiện, tiếp tục lỗ thêm 71,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu liên tục sụt giảm, năm 2017 đạt 2.737 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2016.
Báo cáo tài chính quý I/2018 của LIC cho thấy, doanh thu hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính của doanh nghiệp đạt hơn 550 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 601 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế âm 18,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 19,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, cùng kỳ năm ngoái, Tổng công ty cũng thua lỗ 36,5 tỷ đồng. Mức lỗ của ba tháng đầu năm nay bằng 46% cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giám đốc Licogi, ông Phan Thanh Hải cho biết, số lỗ của quý I/2018 đã giảm hơn 16,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, nguyên nhân chính là kiểm soát và cắt giảm bớt các chi phí. Cụ thể, trong quý I, chi phí tài chính đạt 35,8 tỷ đồng, giảm gần 1,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái do công trình Suối chăn Licogi 15 đã phát sinh hết chi phí năm 2017 và sẽ ghi nhận doanh thu năm 2018.
Tính đến hết ngày 31/3/2018, tổng tài sản của Licogi đạt 4.519 tỷ đồng, tăng 142 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn đạt 2.484 tỷ đồng, tăng 131 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho tăng lên 101 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của Licogi là 4.092 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Gánh nặng tài chính đè trên vai
Cùng trên con đường đi xuống phong độ với Licogi, có sự xuất hiện của “ông lớn” một thời là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama (LLM).
Trong lĩnh vực chế tạo và lắp máy, Lilama có thế mạnh và chỗ đứng riêng nên thường trúng được các gói thầu lớn. Chẳng hạn, Công ty cho biết vừa trúng các gói thầu của Điện lực Long Phú 1, Nhà máy xi măng Tân Thắng… Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của Lilama vẫn chưa tạo được nhiều đột phá, trong khi gánh nặng nợ nần đè trên vai.
Báo cáo tài chính riêng quý I/2018 chưa kiểm toán của công ty mẹ Lilama cho thấy, trong ba tháng đầu năm, doanh thu thuần bán hàng ghi nhận 3.381 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 13,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11,2 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/3, tổng nợ phải trả của Lilama là 7.685 tỷ đồng, chiếm 89% tổng số tài sản hiện có tính đến cùng thời điểm (8.622 tỷ đồng). Trong đó chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn đạt 7.054 tỷ đồng và nợ dài hạn 630 tỷ đồng.
Có bức tranh kinh doanh tươi màu hơn nhưng tại Tổng công ty 36 (G36), doanh thu khủng trong khi lợi nhuận lại rất đìu hiu. Là một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Quân đội, doanh thu của Tổng công ty 36 nằm trong Top 10 doanh nghiệp xây dựng có doanh thu lớn nhất năm 2017 với 3.607 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vỏn vẹn 61,6 tỷ đồng.
Trong quý I, báo cáo tài chính công ty mẹ của Tổng công ty 36 cho thấy, doanh thu đạt 280,5 tỷ đồng (giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1 tỷ đồng (bằng cùng kỳ năm ngoái).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, G36 đạt doanh thu 314,8 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ (đạt 395,8 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 4,6 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng cao (276 tỷ đồng), cộng với chi phí tài chính (23,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi cho khoản lãi vay) đã khiến lợi nhuận gộp của G36 bị ăn mòn.
Chưa kể, tại ngày 31/3/2018, trong cơ cấu nguồn vốn của G36, nợ phải trả chiếm 4.975,8 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu (1.017,3 tỷ đồng) và chiếm 83% tổng nguồn vốn (5.993,1 tỷ đồng). Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn và dài hạn của G36 ở mức 1.482 tỷ đồng. Khối nợ này là kết quả của giai đoạn G36 còn là doanh nghiệp nhà nước (G36 hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2016, với vốn điều lệ 430 tỷ đồng).
Nhà thầu tư nhân báo lợi nhuận khủng
Trong khi các nhà thầu xuất thân từ doanh nghiệp Nhà nước có kết quả kinh doanh không mấy tích cực, thì các nhà thầu tư nhân liên tục báo lãi khủng. Trong ba tháng đầu năm 2018, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi 135 tỷ đồng, doanh thu 3.345 tỷ đồng. Cùng kỳ, Coteccons báo lãi 290 tỷ đồng, doanh thu 4.025 tỷ đồng.