Đó không phải là một nhận định đơn lẻ hay dự báo, mà đã được thể hiện trên thực tế diễn biến thị trường. Đặc biệt, tại hai thị trường bất động sản lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM, trái ngược với sự hăm hở thời gian trước, là thái độ thờ ơ của người dân trong việc tìm kiếm cơ hội mua nhà ở xã hội.
Trong cuộc cạnh tranh về giá, về vị trí, tiện ích hạ tầng, thậm chí cả về chính sách vốn ưu đãi (nhà thương mại giá dưới 1,05 tỷ đồng là được tiếp cận gói vốn 30.000 tỷ) tại các đô thị lớn, các dự án nhà ở thương mại đang thắng thế. Ngay Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá - từng được coi là dự án “đắt khách” nhất trong phân khúc thị trường nhà giá rẻ tại Hà Nội, đến nay cũng không còn là hàng “hot”.
Nguyên nhân có thể kể đến nhiều, nhưng theo ý kiến một nhà môi giới, vấn đề quan trọng nhất là vị trí quá xa xôi và hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội ở nhiều dự án nhà ở xã hội đều có vấn đề. Trong đó, nút thắt vị trí gần như không thể tháo gỡ, bởi mấy ai dám đem đất vàng ở nội đô các thành phố lớn ra… xây nhà ở xã hội.
Vậy thì trong tương lai gần, liệu có xuất hiện nguy cơ “bội thực” nhà ở xã hội? Bởi chỉ riêng tại Hà Nội, theo thống kê, hiện đã có 66 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với gần 5,1 triệu m2 sàn xây mới, trong đó có 44 dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, với 37.800 căn hộ, 10 dự án nhà cho sinh viên, 12 dự án nhà cho công nhân. Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây thêm được 32.000 căn hộ nhà thu nhập thấp. Lượng nhà ở xã hội dự kiến xây mới tại TP. HCM chỉ có hơn, chứ không kém con số tại thủ đô.
Cũng giống như TTCK, thị trường vàng, hay bất cứ thị trường nào khác, người thu nhập thấp trên cả nước đang thấy sự bấp bênh, lên xuống của thị trường nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trong cuộc cạnh tranh với chung cư thương mại bình dân và nhìn thấy sự bấp bênh đó, nhiều nhà đầu tư đã có sự chuyển mình, thay đổi chiến lược đầu tư. Thay vì cứ bon chen tại các thành phố lớn, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm, chuyển hướng đầu tư vào các tỉnh, thành phố phát triển, nhu cầu nhà ở của người dân cũng khá cao.
Điểm nhanh tại Hà Nội và TP. HCM, ngoài một số dự án đã được khởi công từ lâu, đến thời điểm hiện tại đang được "túc tắc" hoàn thiện, thì hầu như ít có dự án nhà ở xã hội lớn nào được khởi công mới. Điều này khiến một số ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư xin làm nhà ở xã hội chỉ để “xí phần”, giữ chỗ chờ thị trường hồi phục hẳn sẽ xin chuyển đổi.
Nếu như mấy năm về trước, một dự án nhà ở xã hội được tung ra thị trường thì ngay lập tức, chỉ cần qua một đợt bán thì đã hết hàng, thì này, tại một số dự án mới được đem ra thị trường gần đây, dự án nào nhanh thì cũng phải qua hai đợt bán, không thì phải mất ba, thậm chí nhiều hơn thế để bán được căn hộ. Tình trạng trên có thể lý giải ở góc độ giá, cụ thể: chênh lệch giá bán giữa nhà ở xã hội với nhà ở thương mại ở thời kỳ đầu lên tới hàng chục triệu đồng/m2, thế nhưng ở thời điểm hiện tại không có sự chênh lệch nhiều, thậm chí, nếu xét thêm cả vị trí, thì nhà ở thương mại "ăn đứt" nhà ở xã hội.
Trái ngược các thành phố lớn, gần đây, thị trường liên tục xuất hiện thông tin các chủ đầu tư liên doanh, liên kết xây nhà ở xã hội tại Thái Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Dương…
Đầu tư nhà ở xã hội tại các tỉnh, thành phố này, các chủ đầu tư có thể thấy những cái lợi nhãn tiền. Trước hết, chi phí cho việc đầu tư sẽ không lớn như chi phí đầu tư tại các đô thị lớn, trong khi giá bán không thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, sự thông thoáng trong cơ chế thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố chắc chắn cũng hấp dẫn hơn so với việc đầu tư tại Hà Nội và TP. HCM. Nói nôm na là ở đó, các chủ đầu tư sẽ dễ dàng có vị thế để “xin” thêm cho mình những quyền lợi về hành chính, thủ tục...
Chưa kể đến việc ở những nơi đất còn rộng, người còn thưa, các chủ đầu tư nếu không xin được đất vàng, thì cũng được cắm ở khá gần trung tâm đô thị và có vẻ người dân ở đó không quá “nhạy cảm” với khái niệm “nhà ở xã hội” như người thủ đô và TP. HCM.
Dòng tiền chắc chắn sẽ chọn nơi đầu tư dễ, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Như vậy, dường như làn sóng đầu tư nhà ở xã hội tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP. HCM sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665). Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com Phát hành Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281 |