Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, theo quy định hiện hành, hiện Nhà nước chỉ điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, không điều hành chiết khấu trong kinh doanh mặt hàng này.
Thực tế, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu. Mức chiết khấu là yếu tố phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối điều chỉnh linh hoạt giúp điều hành hoạt động kinh doanh của họ phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước.
Hiện nay, việc điều hành xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Đối với việc đảm bảo nguồn cung, các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước đăng ký và thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất, đảm bảo cung ứng nguồn đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở đăng ký của các thương nhân đầu mối, Bộ Công thương giao kế hoạch tổng nguồn tối thiểu (gồm nguồn nhập khẩu và mua của các nhà máy trong nước) cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để thực hiện.
Theo đó, Bộ theo dõi và giám sát quá trình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối. Trường hợp có sự biến động bất thường, Bộ sẽ phối hợp với các bên liên quan để có các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế.
Về điều hành giá, liên Bộ Tài chính - Công thương bám sát theo các quy định để điều hành, thực hiện theo chu kỳ 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước cơ bản đã bám sát với giá xăng dầu thế giới.
Cùng đó, hàng năm, định kỳ hoặc đột xuất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các Nghị quyết về các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng Bộ Công hương cũng có các Chỉ thị thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả xăng dầu.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, duy trì hệ thống, bảo đảm nguồn cung, Bộ Công thương phối hợp cùng Sở Công thương trên từng địa bàn để đảm bảo duy trì việc cung ứng xăng dầu thường xuyên, liên tục.
Bà Nguyễn Thuý Hiền cho biết thêm: "Hiện nay, thị trường xăng dầu đang vận hành hệ thống theo quy định của các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Thương nhân kinh doanh xăng dầu ở mỗi khâu trong hệ thống khi tham gia thị trường cần phải đáp ứng các điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà doanh nghiệp tham gia".
Về chi phí cấu thành giá xăng dầu, theo Bộ Công thương, các chi phí cấu thành trong giá xăng dầu hiện nay về cơ bản đã được tính đúng, tính đủ và cập nhật thường xuyên.
Cụ thể, mức giá đầu vào để tính toán được tính theo 5 ngày giá thế giới bình quân; chi phí nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về cảng được tính toán 1 tháng/lần; chi phí kinh doanh định mức được tính toán 3 tháng/lần…
Đối với dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương xây dựng, trình Chính phủ ban hành, đại diện Vụ Thị trường trong nước thông tin: "Để đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành, tạo sự đồng thuận của xã hội, Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ xây dựng phù hợp với định hướng tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050".
Dự thảo xây dựng dựa trên nguyên tắc: Xây dựng môi trường cạnh tranh, minh bạch trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những ưu điểm của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp...