Vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp
Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV, sáng 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đã được trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024).
Các đại biểu đều có chung nhận định, qua tiếp thu chỉnh lý, dự thảo Luật kỳ này đã thể hiện tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ và tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề ĐBQH băn khoăn là cơ chế quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình, Uỷ viên, Uỷ ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội) cho rằng, dự thảo lần này bỏ ra khái niệm ''vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp'' là điều đáng tiếc, khiến cho việc xác định nguyên tắc quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trở nên khó khăn.
|
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, khi Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp thì vốn đó phải là tài sản của doanh nghiệp |
Ông Hiếu nhận định, theo luật pháp Việt Nam, sau khi nhà đầu tư góp tiền và tài sản vào doanh nghiệp thì phải chuyển quyền sở hữu tiền và tài sản đó thành sở hữu của doanh nghiệp. Khi đó, nhà đầu tư không còn sở hữu tiền và tài sản đó nữa, mà chỉ còn sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp tương ứng; nói cách khác là nhà đầu tư không thể chuyển nhượng tài sản đó mà chỉ có thể chuyển nhượng cổ phần, vốn góp.
Tương tự như vậy, khi Nhà nước góp vốn, tài sản vào doanh nghiệp thì Nhà nước không sở hữu vốn, tài sản đó mà chỉ sở hữu cổ phần, phần vốn góp và thực hiện quyền của mình thông qua phần vốn góp và cổ phần đó (Phần vốn góp này khác với khái niệm nguồn vốn nhà nước dùng để đầu tư vào doanh nghiệp, thường là doanh nghiệp tư nhân, thuần tuý là để kiếm lợi nhuận).
Điều này liên quan đến việc xác định nguyên tắc quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại dự thảo Luật, do đó đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm ''vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp'' như dự thảo đã trình trước đó.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) nhấn mạnh, Nhà nước đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp thì vốn đó phải là tài sản của doanh nghiệp.
Theo đó, Nhà nước chỉ sở hữu cổ phần hoặc cổ phiếu (trường hợp là doanh nghiệp niêm yết) chứ không được tham gia quản lý doanh nghiệp với tư cách Nhà nước.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) |
Bởi vì, theo ông Thân, nếu những vị đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nằm trong danh sách Hội đồng quản trị cũng tham gia quản trị doanh nghiệp thì rất nguy hiểm và gây cản trở cho doanh nghiệp.
Thêm nữa, doanh nghiệp nhà nước có quyền tham gia cổ phần vào những công ty tư nhân mà họ thấy phát triển để mang lại lợi ích cho Nhà nước, thậm chí chỉ tham gia cổ phần mà không điều hành. Khi đó, Nhà nước không thể quản lý cả doanh nghiệp do mình góp vốn.
"Vấn đề là ở cách quản lý, là tư cách của từng thành viên trong doanh nghiệp nhà nước", ông Thân nói.
Góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp được định nghĩa có 4 loại: thứ nhất là ngân sách; thứ hai là tài sản công; thứ ba là quỹ đầu tư phát triển, thứ tư là các nguồn khác.
|
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) |
Ông Tuấn cho rằng, nên phân biệt từng nguồn để quản lý: nguồn ngân sách nhà nước và tài sản công thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Tài sản công, còn những nguồn khác, thí dụ như nguồn từ Quỹ đầu tư phát triển nên phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên để quyết định sử dụng.
"Tôi nghĩ rằng quy định như vậy thì dự thảo sẽ được triển khai thực hiện trong thực tế đạt hiệu quả, hiệu lực cao hơn", ông Tuấn nêu quan điểm.
Bộ trưởng Tài chính: Nhà nước quản lý phần vốn góp của mình tại doanh nghiệp chứ không quản lý doanh nghiệp
Phát biểu tiếp thu giải trình dự án Luật sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, trong luật lần này, Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp nhà nước, tại doanh nghiệp bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
"Đây là thay đổi căn bản của luật sửa đổi lần này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đối với Luật Quản lý và Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước hiện hành (Luật 69), nguyên tắc là quản lý doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước; còn lần này sửa đổi là chỉ quản lý phần vốn của nhà nước tham gia vào doanh nghiệp.
"Chúng ta phải xác định là chỉ có tham gia góp vốn và thực hiện quyền của mình trên cơ sở cổ phần và phần vốn góp của mình, còn đã góp vào là chúng ta phải tôn trọng doanh nghiệp, vì nguồn vốn đó sẽ hình thành tài sản của doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tiếp thu giải trình dự án Luật sáng 13/5 |
Mặt khác, Bộ trưởng cho hay, dự thảo Luật sửa đổi lần này chủ trương nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Các vấn đề cụ thể đề xuất giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và sự biến động phát triển của xã hội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Bộ trưởng thông tin, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự thảo Luật đã thực hiện phân cấp hết sức mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty để tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, được chủ động ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, quyết định đầu tư, quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng và nhiều nội dung khác.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo Luật cũng đã phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước để chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền, chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.