
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp, dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Lần sửa đổi này, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sẽ thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ tất cả khó khăn, rào cản, vướng mắc khi chuyển đổi chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp, nhưng gắn với việc thực hiện ngay phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, để địa phương thực hiện.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (Dự thảo) trao nhiều quyền hơn cho địa phương, song cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để đảm bảo điều hành linh hoạt, thống nhất toàn quốc hệ thống hành chính quốc gia.
Theo đại biểu Huân, dự thảo quy định HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND. HĐND cũng phê chuẩn các phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. HĐND cũng sẽ miễn nhiệm các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn.
Nhưng, cũng tại dự thảo lại quy định, khi Thủ tướng quyết định cách chức chủ tịch UBND, điều động chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.
Ông Huân cho rằng về mặt quy định thì quy định như dự thảo luật là đúng Hiến pháp nhưng về logic không đúng. HĐND bầu thì phải miễn nhiệm. Thủ tướng mà cách chức, điều động thì HĐND lại không miễn nhiệm. Còn nếu làm đúng, HĐND thực hiện miễn nhiệm thì lại rắc rối. Thủ tướng lại phải xin ý kiến HĐND mới được điều động, cách chức thì phức tạp trong quá trình điều hành.
Vì thế, ông Huân đề xuất, nếu giữ quyền điều động, cách chức chủ tịch UBND của Thủ tướng Chính phủ thì nên sửa đổi quy định về việc HĐND bầu chức danh này.
Cụ thể là HĐND không phải bầu các chức danh chủ tịch UBND nữa mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Như thế sẽ rất thuận. HĐND giới thiệu chức danh chủ tịch, sau đó Thủ tướng phê chuẩn.
Với các chức danh phó chủ tịch, thành viên khác của UBND, ông Huân đề nghị, chủ tịch UBND sẽ giới thiệu phó chủ tịch, thành viên khác để HĐND phê chuẩn 1 lần tại đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động các chức danh này thì chủ tịch UBND chỉ báo cáo HĐND là được. Cách làm như thế đảm bảo logic và quyền trao cho Thủ tướng điều động rất là linh hoạt.
Để thực hiện đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân góp ý, cần sửa thêm điều 114 của Hiến pháp, để sửa quy định HĐND bầu các chức danh của UBND cùng cấp.
"Tôi đề nghị thống nhất quy định như vậy tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm Điều 114 Hiến pháp, quy định HĐND có nhiệm vụ giới thiệu chủ tịch UBND chứ không bầu", ông Huân nêu quan điểm.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND; bầu phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND không nhất thiết là đại biểu HĐND. HĐND cũng có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh do mình bầu.
Tại Điều 41 Dự thảo quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động và cách chức khi có vi phạm với chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều động chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp xã.
Liên quan đến điều động, cách chức Chủ tịch UBND, phó Chủ tịch UBND; giao quyền Chủ tịch UBND, khi thảo luận tại tổ, có ý kiến đề nghị xác định rõ thời gian cụ thể để thực hiện việc giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Chẳng hạn, có thể quy định đối với cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp tỉnh phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị; đối với cấp xã, Thường trực HĐND cấp xã phải trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh và ra quyết định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị để bảo đảm hoạt động bình thường và thông suốt của chính quyền các cấp khi xảy ra trường hợp khuyết Chủ tịch UBND.
Đồng thời, đề nghị xác định rõ việc thực hiện quyền Chủ tịch UBND là 60 ngày đối với cấp tỉnh và 30 ngày đối cấp xã để bầu ra Chủ tịch UBND mới, tránh kéo dài thời gian khuyết Chủ tịch UBND.