Một trong những chuyển động tới đây của Pha Lê được giới phân tích săm soi là Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn gạch nhựa SPC với công suất 8,7 triệu m2/năm dự kiến khánh thành đầu quý 3/2020
CTCP Hoàng Gia Pha Lê là đơn vị đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ván sàn gạch nhựa SPC với tổng mức đầu tư lớn 200 tỷ đồng, trong đó PLP sở hữu 46,81% vốn.
Gạch nhựa hèm khóa SPC (Stone Plastics Composite) là vật liệu xây dựng mới xuất hiện trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm gần đây.
Sàn SPC của PLP có cấu trúc 5 lớp, trong đó có lớp phủ UV bảo vệ bề mặt, chống tia UV; Lớp Laminate chống xước bảo vệ sàn và tạo đồ sần bề mặt; lớp film hoa văn trang trí vân gỗ, đá tự nhiên; lớp lõi SPC gồm bột đá Canxi cacbonnat và nhựa PVC; còn một lớp cao su non giúp cách âm, hỗ trợ mặt nền và giúp tăng cảm giác êm khi bước chân trên sàn.
So với sàn gỗ, ưu điểm của sàn SPC là chống nước 100%, không độc hại, không giãn nở, co ngót; dễ lắp đặt, có độ bền cao. Loại vật liệu này không bắt lửa, cách âm, có độ chống mòn xước cao, chịu va đập tốt. Vật liệu SPC chịu được nhiệt độ lên tới 70 độ và âm 10 độ C; có thể cắt xẻ linh hoạt với nhiều kích cỡ, phổ biến là 120cmx18cm hoặc 60cmx60cm.
Doanh nghiệp định hướng sản phẩm chủ yếu xuất khẩu
Với những đặc tính như khả năng chống nước, không co ngót vật liệu khi thay đổi nhiệt độ, mối mọt, duy trì độ ổn định của bề mặt sàn,… SPC đang trở thành xu hướng được ưa chuộng trong xây dựng và được nhiều khách hàng quan tâm tin dùng. Sản phẩm có độ phủ ứng dụng rộng như trong nhà ở dân sinh có thể sử dụng ở tất cả các phòng kể cả nhà tắm; cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị công cộng, sân bay, tòa nhà…
Sàn SPC rất phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Việt Nam với độ bền trên 20 năm sử dụng. Tuy nhiên, thị trường nội địa không phải là cuộc chơi mà PLP nhắm đến.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang, Phó tổng giám đốc Nhựa Pha Lê chia sẻ, trong báo cáo tiền khả thi dự án, Hoàng Gia Pha Lê xây dựng kế hoạch tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10%, còn lại toàn bộ sản phẩm sẽ được xuất khẩu. Doanh nghiệp đã mua bản quyền công nghệ hèm khóa từ đối tác Mỹ.
Tìm hiểu kỹ hơn có thể thấy Hoàng Gia Pha Lê là dự án kết hợp được sức mạnh cạnh tranh của 2 doanh nghiệp để tạo ra lợi thế lớn khi đưa sản phẩm vào thị trường.
Thứ nhất, 75% nguyên liệu sản phẩm SPC là bột đá CaCO3, hiện Pha Lê đang sở hữu mỏ đá CaCO3 tại Nghệ An với trữ lượng hơn 5 triệu m3, đồng nghĩa với dự án có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Thứ hai, định hướng mạnh tay đầu tư cho R&D của Pha Lê đã đem lại quả ngọt bước đầu, sau 2 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của doanh nghiệp đã ra được công thức phối trộn các chất phụ gia, hoàn thiện và làm chủ toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm.
Về phần mình, Hoàng Gia là tập đoàn vật liệu nằm trong top hàng đầu Việt Nam, với 20 năm kinh nghiệm đã xây dựng được hệ thống phân phối lên tới gần 300 đại lý và hơn 3000 cửa hàng bán lẻ khắp toàn quốc. Bên cạnh đó là thế mạnh xuất khẩu gạch bông sang Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á, chiếm tỷ trọng tới 70% cơ cấu sản lượng. Như vậy, “đứa con chung” SPC của 2 doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được đưa tới các kệ hàng trong và ngoài nước, thay vì mất thời gian dài làm thị trường và thiết lập hệ thống phân phối.
Chưa có một tính toán chi tiết về hiệu quả dự án được hai bên công bố, tuy nhiên, giới phân tích đã có thể ước lượng phần nào. Hiện giá mỗi tấn Filler (sản phẩm chủ lực của PLP) xuất bán trên thị trường dao động trong 280 -350 USD, với mức giá SPC h trên thế giới hiện nay dao động từ 7.8 – 12 $/ m2 doanh thu bán 1 tấn filler khi sử dụng cùng lượng nguyên liệu để sản xuất sàn SPC có thể gấp 5 lần. Có chuyên viên phân tích ví von hiểu nôm na về biên lợi nhuận sản phẩm này tương tự như mua vải bán áo (cao hơn nhiều lần mua vải rồi bán vải).
Tất nhiên đi kèm với thuận lợi cũng là những rủi ro mà bất cứ một dự án nào cũng phải tính đến. Với Dự án sàn SPC của Pha Lê Hoàng Gia, do là sản phẩm mới trên thị trường cả trong và ngoài nước nên sẽ mất thời gian không ít để người tiêu dùng quen với sản phẩm, thay đổi thói quen dùng các loại sàn truyền thống như gỗ, gạch bông…
Cũng không thể không tính đến cuộc tấn công thần tốc của các nhà sản xuất Trung Quốc với sự cạnh tranh khủng khiếp về giá, sự đa dạng và quy mô sản lượng, mỗi khi xuất hiện một loại vật liệu mới mà doanh nghiệp trên khắp thế giới đã và đang phải đối mặt.
Dù có những lợi thế nhất định như đã phân tích, Pha Lê Hoàng Gia cũng chỉ có thể khẳng định và tạo dựng được vị thế của mình khi theo đuổi chiến lược dài hạn. Không có R& D, doanh nghiệp dù có thành công đến đâu thì đó cũng chỉ là kinh doanh ngắn hạn. Số lượng sản phẩm, dịch vụ khác biệt được thị trường ưa thích nhằm thể hiện tính tiên phong và dẫn dắt chính là những bài toán thách thức mà doanh nghiệp phải luôn luôn tìm lời giải.