Nhựa Pha Lê bứt phá trên nền tảng sản xuất bền vững

(ĐTCK) Là một trong rất ít công ty có chuỗi sản xuất khép kín từ khâu khai thác tới sản xuất sản phẩm cuối cùng và cung ứng hiệu quả, những nỗ lực đầu tư và chuyển dịch sản xuất của Nhựa Pha Lê đã bắt đầu đem lại quả ngọt với kết quả kinh doanh ngày càng khởi sắc.
Nhựa Pha Lê bứt phá trên nền tảng sản xuất bền vững

Năm 2018 đánh dấu nhiều bước ngoặt lớn của Nhựa Pha Lê. Công ty đã tiến hành đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất tại Nghệ An và Hải Phòng. Tại Nhà máy Hải Phòng, Công ty lắp đặt hoàn thiện 3 dây chuyền sản xuất Filler Masterbatch công nghệ mới; đầu tư nâng cấp hệ thống liên động - tự động hóa 4 dây chuyền sản xuất. Tại Nhà máy Nghệ An, Công ty đã đầu tư và đưa vào sử dụng 4 dây chuyền nghiền bột siêu mịn và 2 dây chuyền tráng phủ bột siêu mịn…

Bên cạnh đó, các dây chuyền sản xuất hạt phụ gia Filler Masterbatch được dùng làm chất độn cho sản xuất các sản phẩm nhựa công nghiệp và gia dụng đã đi vào hoạt động từ quý II/2016, tiếp tục hoạt động tối đa công suất. Hoạt động sản xuất được vận hành ngày càng hiệu quả, tỷ lệ hàng lỗi đã giảm xuống dưới 1%.

Nhờ vậy, năm 2018, Pha Lê đạt doanh thu thuần 519 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỷ đồng, tăng 65,34% và 15,68% so với năm 2017. Ðặt trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến bất lợi như giá dầu tăng mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình hình bất ổn tại một số khu vực trên thế giới, đây là kết quả khá tích cực. 

Năm 2019, theo nhận định của lãnh đạo Nhựa Pha Lê, ngành nhựa Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng sau khi Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa bao bì của Việt Nam, trong khi các nước châu Á khá như Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế này với thuế suất từ 8 - 30%, giúp các sản phẩm nhựa bao bì Việt Nam rẻ hơn, cạnh tranh hơn trên thị trường EU.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư tại thị trường Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam để tránh các chính sách bảo vệ môi trường nội địa cũng như ảnh hưởng của chiến tranh thương mại khiến năng lực sản xuất trong nước tăng mạnh.

Lợi thế về vùng nguyên liệu và logistic giúp Nhựa Pha Lê chủ động trong đảm bảo chất lượng và giá thành nguyên liệu đầu vào, đồng thời tiết kiệm chi phí vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm. Ðặc biệt, việc đầu tư đón đầu có thể giúp Công ty duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo nhờ tăng năng lực sản xuất. Chỉ tính riêng 3 dây chuyền mới đi vào vận hành ổn định từ năm 2019 sẽ giúp Công ty tăng năng suất gấp 1,5 lần, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, từ đó có khả năng tăng giá bán sản phẩm mới.

Ðại hội đồng cổ đông Nhựa Pha Lê diễn ra cuối tuần qua đã thông qua kế hoạch doanh thu 650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 9% so với thực hiện năm 2018; duy trì cổ tức 15%.

Ngoài việc giám sát, quản lý để nhà máy Hải Phòng và Nghệ An hoạt động ngày càng hiệu quả, doanh thu tăng nhưng chi phí giảm, lãnh đạo Nhựa Pha Lê cho biết, Công ty sẽ nghiên cứu cho ra nhiều dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, tập trung phát triển để sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật trong năm 2019. Ðồng thời, Công ty chú trọng vào việc tận thu nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng đang được tiêu thụ tốt trên thị trường.

Ngành nhựa Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 16 - 18%/năm. Do sở hữu nguồn tài nguyên đá vôi lớn ở miền Bắc và miền Trung nên Việt Nam có lợi thế trong việc sản xuất Filler Masterbatch, trong khi thị trường hạt nhựa phụ gia trong nước cũng như trên thế giới được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, với dư địa 80% thị phần trong nước cho các doanh nghiệp sản xuất cung ứng nguyên liệu nhựa, hạt nhựa phụ gia. Ðây chính là đại dương xanh để Nhựa Pha Lê bứt phá trong chiến lược phát triển bền vững của mình.   

Thu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục