Suốt 13 năm chưa cấp tần số mới
Năm 2008 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông cấp tần số lần cuối cùng cho mạng 3G thông qua thi tuyển, đó là băng tần 2.100 MHz. Từ năm 2009, mạng 4G ra đời, nhưng tần số lấy từ băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz cho 2G và 3G. Và đến bây giờ, mạng 4G và 5G vẫn chưa có tần số riêng.
Hiện tại, các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone đang quá tải, thiếu băng tần để triển khai kinh doanh, đặc biệt là 4G, 5G. Điển hình như Viettel, từ năm 2018 đã thiếu băng tần để phát triển thuê bao 4G. Do đó, Viettel phải lấy băng tần 2G, 3G sử dụng cho 4G. Viettel đã nhiều lần kiến nghị sớm tổ chức đấu giá tần số mới để giúp nhà mạng đầu tư, mua sắm thiết bị, mở rộng mạng lưới, qua đó đẩy mạnh công nghệ 4G, 5G.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhanh chóng tiến hành đấu giá băng tần viễn thông. Việc mang nhiều băng tần ra đấu giá không chỉ giúp nhà mạng có thể lựa chọn băng tần phù hợp với chiến lược phát triển, mà còn đảm bảo quyền bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Còn theo đại diện MobiFone, các nhà mạng đều chưa có băng tần chuẩn cho 4G và 5G. Điều này lý giải cho việc nhiều thời điểm mạng 4G của MobiFone bị nghẽn hoặc tốc độ mạng không đạt như chuẩn công bố. Do đó, MobiFone đề xuất, nếu vướng mắc về quy định pháp luật khiến chưa thể đấu giá được băng tần, thì cơ quan quản lý nên chọn hình thức cấp phép băng tần 4G qua thi tuyển - điều từng được thực hiện với băng tần của 3G.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhìn nhận, vấn đề lớn nhất của tần số hiện nay là khan hiếm tần số kinh doanh. Trong số 6.000 MHz tần số có thể sử dụng, thì chỉ có 15% là kinh doanh được; 80% còn lại chỉ dùng được cho các mạng chuyên dùng, trong đó có quốc phòng, an ninh.
“Tần số kinh doanh khan hiếm đến mức có nước bán một băng tần 3G cho một nhà mạng đến hàng chục tỷ USD như ở Đức. Vì sự khan hiếm tần số kinh doanh, nên vấn đề phân bổ công bằng cho các nhà mạng được đặt ra trong luật qua hình thức đấu giá, nhưng do các quy định chưa rõ ràng, nên hơn 10 năm nay chưa đấu giá được tần số nào”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đấu giá
Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân chậm đấu giá băng tần viễn thông là vướng về chính sách đấu giá tần số. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu thành lập Ban Chỉ đạo Đấu giá tần số để thực hiện. Nhưng lúc đó, Luật Đấu giá, Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực, trong đó có một quy định về cách thức đấu giá, cách thức xác định giá khởi điểm phải là Nghị định của Chính phủ, chứ không thể là quyết định của Thủ tướng.
Lúc đấy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng muốn trong giai đoạn giao thời thì làm tiếp theo cách cũ, nhưng sau khi xin ý kiến tất cả các bộ, ngành, thấy thiếu cơ sở pháp lý thì dừng lại và xin phép Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định. Đến tháng 10/2022, Nghị định số 88/2021/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần” mới xây dựng xong.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét, đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế có liên quan chưa theo kịp quá trình phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.
Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cũng đã chỉ ra, việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động (được đánh giá là băng tần có giá trị thương mại cao) chưa thực hiện được do phải chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số; việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số còn khó khăn do chưa quy định chặt chẽ trong Luật Tần số vô tuyến điện đã gây lãng phí rất lớn tài nguyên tần số, kho số.
Hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được trình Quốc hội cho ý kiến góp ý, hoàn thiện. Như vậy, nhiều khả năng, việc cung cấp thêm băng tần nhằm phát triển mạng viễn thông sẽ tiếp tục bị trì hoãn, bởi còn phụ thuộc vào thời điểm dự án luật này được Quốc hội thông qua.
Được biết, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, trình kèm Hồ sơ Dự án Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi). Đồng thời, Cục đã và đang triển khai các công tác liên quan về đấu giá băng tần 2,3 GHz -2,4 GHz cho thông tin di động IMT; băng tần 2,6 GHz và 3,5 GHz và dự kiến triển khai tổ chức đấu giá vào tháng 7/2023, hoàn thành vào tháng 12/2023.