Sự cố pháp lý…
Khách hàng mở tài khoản giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán theo “hợp đồng mẫu” có điều khoản về tranh chấp “sẽ được giải quyết bằng trọng tài”.
Tuy nhiên, khi bị công ty khởi kiện, bị đơn (khách hàng) lại không chấp nhận phương thức giải quyết bằng cơ chế trọng tài vì cho rằng mình là người tiêu dùng tham gia trong một hợp đồng mẫu với công ty nên (theo luật) có quyền chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác, thường là toà án.
Phân tích dưới đây tuy tập trung về giao dịch chứng khoán, nhưng với các lĩnh vực khác như nhà đất, ngân hàng, bảo hiểm và nhiều quan hệ tiêu dùng sử dụng hợp đồng mẫu cũng có chung lý giải. Yêu cầu của bị đơn trong trường hợp này dựa trên Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Trọng tài thương mại.
Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Điều 38 về hiệu lực của điều khoản trọng tài quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận.
Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Với Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Điều 17 về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng quy định, đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp.
Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.
Tuy vậy, yêu cầu của bị đơn với các trích dẫn pháp lý như trên đã không được tổ chức trọng tài thụ lý vụ việc chấp nhận. Vụ việc sau đó vẫn được tổ chức trọng tài tiến hành giải quyết.
Lý lẽ không chấp nhận cho rằng, bị đơn là nhà đầu tư chứ không phải người tiêu dùng. Là nhà đầu tư, việc họ mua dịch vụ (kể cả dịch vụ tài trợ) của công ty là để mua bán chứng khoán chứ không để dùng. Do đó, nhà đầu tư là người làm thương mại và không thuộc đối tương tiêu dùng để có thể áp dụng các điều luật nêu trên.
Việc bị từ chối tư cách tiêu dùng cũng dựa vào định nghĩa trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
Sở dĩ có suy nghĩ cho rằng, nhà đầu tư mua dịch vụ công ty chứng khoán là để mua bán (mục đích thương mại) chứ không có mục đích tiêu dùng là do: 1) khái niệm tiêu dùng đã bị hiểu là để thoả mãn nhu cầu sống theo nghĩa hẹp “cơm gạo”; 2) giao dịch của người đầu tư mua dịch vụ tại công ty chứng khoán đã bị ngộ nhận một cách võ đoán là hoạt động mua đi bán lại. Phân tích sau đây sẽ làm rõ vấn đề.
Nhà đầu tư tiêu dùng
Tiêu dùng quen được hiểu là hoạt động tiêu thụ đơn giản, liên quan đến cái ăn, cái mặc, để thoả mãn các nhu cầu sinh sống và sinh hoạt, thiên về tiêu thụ theo cách hưởng thụ thực dụng.
Như vậy vô hình trung bỏ sót việc tiêu dùng phi cơm gạo, phi vật chất, như để sử dụng (use/utilize), để sở hữu (own) hay cao hơn để làm quyết định (to make decisions) là các nhu cầu thực tế, đa dạng và để mở. Thật ra, cách hiểu, cách làm thoáng rộng này không còn mới lạ gì với thế giới, trong đó có lĩnh vực tài chính, chứng khoán.
Giao dịch của người đầu tư mua dịch vụ tại công ty chứng khoán đã bị ngộ nhận một cách võ đoán là hoạt động mua đi bán lại.
Với lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đã có không ít ngộ nhận, nhà đầu tư (thông qua định chế thị trường chứng khoán) là người kinh doanh hay làm thương mại chứ không phải người tiêu dùng. Sự nhầm lẫn chủ yếu là ở khía cạnh mua đi bán lại.
Để xoá đi suy nghĩ sai lầm này, xin nói ngay rằng, không có việc mua đi bán lại nào giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán cả. Họ chỉ mua dịch vụ và “thuê sạp” ở đó thôi. Như vậy, họ là người tiêu dùng của công ty chứng khoán và của cả hệ thống phục vụ giao dịch (xin nhấn mạnh hệ thống phục vụ giao dịch).
Không nên vì cái danh xưng nhà đầu tư mà vội quy kết họ không tiêu dùng. Nhà đầu tư mua cổ phiếu để sở hữu là sở hữu tài sản, là tiêu dùng.
Họ có thể sở hữu tài sản ấy suốt đời hay chỉ một ngày rồi chuyển nhượng là chuyện bình thường trong hoạt động đầu tư. Đây không thể xem là hoạt động thương mại. Mối quan hệ về tài sản, về sở hữu này tuy không phải của thị trường, không nằm trong hệ thống phục vụ giao dịch của thị trường, nhưng lại được thị trường khuyến khích mua bán càng nhiều càng tốt.
Mục đích là để tạo thanh khoản, tạo sự luân lưu dòng chảy vốn, giúp doanh nghiệp điều hoà nhu cầu tài chính và góp phần giúp kinh tế quốc gia phát triển.
Xin lưu ý lần nữa, nhà đầu tư tiêu dùng nói ở bài này là cá nhân.
Trở lại vấn đề giao dịch ký quỹ, đối với công ty chứng khoán, giao dịch ký quỹ thực chất là một dịch vụ cộng thêm để phục vụ khách hàng và tăng thu nhập cho công ty. Đối với thị trường chứng khoán (định chế thị trường chứng khoán), giao dịch ký quỹ là một mảng nghiệp vụ mở rộng chuyên ngành rất phức tạp, không nên hiểu đơn giản là ký quỹ và cho vay.
Cách gọi khái quát tại nơi sản sinh ra nghiệp vụ này là giao dịch bảo chứng (margin trading).
Tại sao lại bảo chứng mà không là ký quỹ? Bảo chứng là nghiệp vụ phục vụ các nhà đầu tư đã có kinh nghiệm vững vàng và dày dạn, để họ “làm quyết định” đầu tư khôn ngoan, chứ không để cho các tay mơ “đi vay tiền”.
Giao dịch cũng không nhất thiết bằng tiền. Bảo chứng lại không chỉ là để mua (long) mà gồm cả giao dịch bán (short). Nghiệp vụ giao dịch bảo chứng đúng nghĩa (và chuyên sâu) được thiết đặt công phu với các mối quan hệ và sự ràng buộc kín kẽ, chứ không phải là cách làm đơn điệu và lỏng lẻo như thực tế đang có tại Việt Nam.
Tài khoản (và tài sản) bảo chứng luôn được giám sát và quản lý chặt chẽ dưới danh nghĩa công ty chứng khoán (street name), chứ không bỏ mặc cho khách hàng như thường thấy ở ta (1).
Suy cho cùng, dù lý lẽ thế nào thì xét trên nhiều phương diện, việc đầu tư trên thị trường chứng khoán là hoạt động tiêu dùng, khía cạnh tài trợ ở đó chỉ như chút gia vị, lại là thứ gia vị rất “cay”.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Tiêu dùng không bị bó hẹp nghĩa cơm gạo thì ở đâu có thị trường ở đó có người tiêu dùng. Thị trường tiêu dùng nói ở đây là nơi cung ứng hàng hoá, dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng đại chúng.
Đã gọi là khách hàng đại chúng thì không nên phân biệt danh xưng để không có sự ngộ nhận đáng tiếc như trường hợp nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Sự ngộ nhận có thể làm cho hoạt động giao dịch chứng khoán và thị trường chứng khoán khó phát triển, nếu không muốn nói sẽ dễ rơi vào thế bế tắc. Bởi thứ hàng hoá có quy mô giao dịch hàng ngàn tỷ đồng/phiên đó chủ yếu là nhờ niềm tin.
Niềm tin có thể tan chảy trong chốc lát trước các hành xử bất tín, chất lượng phục vụ tồi. Loại thị trường cực kỳ nhạy cảm này do vậy cần được gìn giữ như giữ trứng, theo các hành lang bảo vệ chỉn chu và chặt chẽ, cùng với các thông lệ hành xử tương thích.
Thế giới họ làm vậy thì Việt Nam không thể khác, cụ thể là với các luật và lệ về bảo vệ người tiêu dùng (consumer protection) rất phổ biến tại các thị trường đi trước.
Về luật, có thể tham khảo Luật Cải tổ Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng (Dodd-Frank Wall Street Reform and Consumer Protection Act) của Mỹ (2). Về lệ và quy chuẩn có Quy tắc hướng dẫn hoạt động hành xử và nghĩa vụ với khách hàng (FINRA) của Tổ chức Tự quản (SRO) (3).
Đây được xem là hình mẫu về thông lệ hành xử của thị trường chứng khoán thế giới. Các luật lệ và quy chuẩn tự quản này ràng buộc và hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết điều gì được làm và không được làm trong quá trình tác nghiệp phục vụ đại chúng đầu tư của các thực thể và nhân viên của họ trên thị trường chứng khoán.
Tại Úc, cơ quan đảm trách nhiệm vụ này là Australian Securities and Investments Commission (ASIC) (4).
Để minh hoạ về chuẩn mực phục vụ trong giao dịch, có thể đơn cử một tiểu tiết của FINRA: “Tất cả lệnh giao dịch chứng khoán là các hợp đồng, cho dù hầu hết đó là lệnh miệng”.
Chi tiết tuy nhỏ này lại có ý nghĩa rất lớn, không phải ai trong ngành cũng biết để làm cho đúng. Tiếc là hàng triệu hợp đồng “không giấy” đó thường không được nhận diện và thực hiện nghiêm túc.
(1) Đọc “Giao dịch Bảo chứng - Margin Trading - trong Tài chính Chứng khoán”, Huy Nam, NXB Tài Chính 2009.
(2) https://www.govinfo.gov/content/pkg/COMPS-9515/pdf/COMPS-9515.pdf. - Cụ thể tại Title IX và Title X.
(3) https://www.finra.org/registration-exams-ce/manage-your-career/obligations-your-customers
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Australian_ Securities_and_Investments_Commission
(*) Chuyên viên Kinh tế Tài chính Chứng khoán, Chuyên gia độc lập, Thành viên Hội đồng Chỉ số TTCK Việt Nam, Giảng viên PACE, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC