Điều này cần được khắc phục để tránh “gây khó” cho doanh nghiệp khi luật chơi mới sắp có hiệu lực.
Các định hướng chính sách mới về thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn tất, theo nhìn nhận từ phía doanh nghiệp và các chuyên gia, sẽ có tác động khá lớn đối với luật chơi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngay từ đầu năm tới, khi các quy định mới này có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán.
Bởi vậy, những thay đổi về quy định pháp lý nếu không được thấu hiểu và xây dựng trên nhu cầu của thị trường thì sẽ gây khó cho doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến tính khả thi của quy định mới.
Một trong những cái khó cho doanh nghiệp, theo ý kiến của một tổ chức dày dạn kinh nghiệm trong tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp là Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đó là tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đưa ra quy định chưa hợp lý về xác định, cũng như quản lý “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
“Theo dự thảo, cơ quan soạn thảo đề xuất tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm xác định, lựa chọn và lưu trữ các tài liệu liên quan đến "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp". Ðiều này là quá nặng đối với tổ chức phát hành. Việc pháp lý không quy định rõ ràng về nội dung này có thể dẫn đến hệ quả là với mỗi thương vụ phát hành, doanh nghiệp lại phải thực hiện một bước không hề đơn giản là xác định "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp"…”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc TCBS nhìn nhận.
Từ thực tế trên, đại diện TCBS đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ thực tiễn thị trường, cũng như các quy định pháp lý liên quan để đưa ra quy định rõ ràng về tiêu chí, trên cơ sở đó làm căn cứ xác định “nhà đầu tư chuyên nghiệp”, thay vì để cho doanh nghiệp phát hành xác định như dự thảo.
Một khi đã xác định rõ là “nhà đầu tư chuyên nghiệp”, thì cần cấp mã số giao dịch với ký hiệu nhận dạng riêng cho họ. Khi hiển thị “nhà đầu tư chuyên nghiệp” trên hệ thống giao dịch sẽ giúp các bên dễ dàng nhận diện được đối tượng nhà đầu tư này.
Quy định pháp lý cũng cần làm rõ khi họ được chấp nhận là “nhà đầu tư chuyên nghiệp”, thì phải có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không phải mỗi lần chào bán, thì tổ chức phát hành lại phải xác định xem ai là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Làm như vậy không ổn.
Trên cơ sở của tiêu chí đã rõ ràng, thì sau một khoảng thời gian, chẳng hạn vài tháng, mà họ không duy trì được yêu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp, thì sẽ bị hủy tư cách nhà đầu tư này…
Một khái niệm nữa liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần làm rõ là “nhà đầu tư chiến lược” tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về trái phiếu doanh nghiệp, mà Bộ Tài chính đang công khai lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường.
Khi quy định về đối tượng được tham gia đợt doanh nghiệp phát trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, dự thảo có cho phép “nhà đầu tư chiến lược” tham gia…
Trong khi đó, khái niệm “nhà đầu tư chiến lược” đã được định nghĩa tại của Luật Chứng khoán là: nhà đầu tư được đại hội cổ đông lựa chọn theo các tiêu chí về năng lực tài chính, trình độ công nghệ và có cam kết hợp tác với công ty trong thời gian ít nhất 3 năm…
Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến từ phía doanh nghiệp, tại văn bản góp ý cho dự thảo nghị định gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, do Luật Chứng khoán chỉ áp dụng đối với các công ty cổ phần, nên định nghĩa “nhà đầu tư chiến lược” cũng chỉ phù hợp với các công ty cổ phần.
Trong khi đó, quyền phát hành trái phiếu lại bao gồm cả các công ty trách nhiệm hữu hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung khái niệm “nhà đầu tư chiến lược” áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, để tránh vướng mắc khi áp dụng trên thực tế…