Nhà đầu tư trấn tĩnh trở lại sau phiên hoảng loạn

(ĐTCK) Sau phiên hoảng loạn và bán tháo trên tất cả các thị trường hôm thứ Ba, giới đầu tư toàn cầu đã trấn tĩnh trở lại, giúp các thị trường hồi phục, hoặc chí ít là hãm được đà bán tháo trong phiên thứ Tư.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall đã hồi phục gần 2% trở lại trong phiên thứ Tư sau khi mất tới gần 3% trong phiên trước đó do nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc và những bất ổn khi Fed có khả năng tăng lãi suất sắp tới.

Theo dữ liệu vừa công bố hôm thứ Tư, bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) của Mỹ tăng thêm 190.000 người vào tháng 8, thấp hơn con số dự báo 201.000 của giới phân tích, nhưng cao hơn so với mức 177.000 của tháng 7.

Dữ liệu mới công bố, cùng những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay giúp nhà đầu tư phần nào bớt lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9.

Do đó, các nhà phân tích cho rằng, phiên hồi phục hôm thứ Tư của phố Wall không nói lên được xu hướng của thị trường. Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã giảm 11% trong phiên thứ Tư, nhưng vẫn đang ở mức cao từ năm 2011, năm đầu tiên S&P hạ bậc tín nhiệm của Mỹ.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Dow Jones tăng 293,03 điểm (+1,82%), lên 16.351,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,01 điểm (+1,83%), lên 1.948,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 113,87 điểm (+2,46%), xuống 4.749,98 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục nhẹ trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó khi lo ngại từ Trung Quốc giảm bớt với thông tin mới phát đi từ chứng khoán nước này. Theo thông tin từ Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, 9 công ty môi giới chứng khoán lớn của nước này cam kết sẽ mua vào 30 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu, giúp chặn đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Ngoài ra, dữ liệu việc làm mới của Mỹ vừa công bố giúp tâm lý lo lắng Fed tăng lãi suất cũng giảm bớt, cùng với đó là kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ có thêm gói kích thích kinh tế, qua đó hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu hồi phục.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,77 (+0,41%), lên 6.083,31 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 32,48 điểm (+0,32%), lên 10.048,05 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,76 điểm (+0,30%), lên 4.554,92 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán Trung Quốc, đà giảm của các thị trường chứng khoán trong khu vực cũng đã được hãm bớt trong phiên thứ Tư.

Chứng khoán Nhật Bản chỉ còn giảm nhẹ, trong khi chứng khoán Trung Quốc cũng đã có dấu hiệu hồi phục vào cuối phiên sau thông tin 9 công ty chứng khoán cam kết mua vào 30 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục mất gần 1,2%, đóng cửa ở mức thấp nhất 2 năm do ảnh hưởng những thông tin tiêu cực từ đại lục.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 70,29 điểm (-0,39%), xuống 18.095,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 250,49 điểm (-1,18%), lên 20.934,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 6,46 điểm (-0,20%), xuống 3.160,17 điểm.

Dù bảng lương ADP của Mỹ được công bố thấp hơn kỳ vọng, làm giảm đi phần nào lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9, nhưng dữ liệu quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố trong thứ Sáu. Đây sẽ là cơ sở để Fed đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào ngày 16 và 17/9 tới đây.

Tuy nhiên, thông tin về bảng lương ADP không như kỳ vọng cũng đủ giúp vàng hồi phục trở lại, lấy lại những gì đã để mất trong phiên đầy biến động và hoảng sợ của nhà đầu tư hôm thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/9, giá vàng giao ngay giảm 6,1 USD (+0,54), lên 1.133,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,1 USD (-0,54%), xuống 1.133,2 USD/ounce.

Cũng giống chứng khoán và giá vàng, giá dầu thô cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư sau khi lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,84 USD/thùng (+1,82%), lên 46,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,94 USD (+1,86), lên 50,50 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục