Báo cáo của JPMorgan trích dẫn dữ liệu EPFR cho thấy các quỹ đầu tư đã rút ròng 8,5 tỷ USD khỏi các quỹ dành riêng cho cổ phiếu và trái phiếu của các nền kinh tế đang phát triển từ đầu năm đến nay. Đợt bán tháo đã ảnh hưởng đến các tài sản trên toàn cầu, từ peso của Chile đến cổ phiếu ở Trung Quốc và Ấn Độ đến trái phiếu chính phủ từ Romania và El Salvador.
Dòng tiền chảy ra đánh dấu sự tiếp diễn của một xu hướng đã ảnh hưởng đến các tài sản của thị trường mới nổi trong ba năm qua. Quyết định đầu tư vào các nền kinh tế này đã gặp nhiều trở ngại khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang mờ nhạt và một số nền kinh tế đang phát triển lớn nhất từ Trung Quốc đến Brazil đều đang gặp khó khăn.
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thứ Hai (20/1) sẽ dẫn tới một loạt rủi ro mới. Ông Trump đã tuyên bố trước đó rằng sẽ tăng mạnh thuế quan toàn diện đối với phần còn lại của thế giới, đồng thời đưa ra thêm các mối đe dọa liên quan tới Kênh đào Panama và Greenland.
"Thật khó để thị trường đặt cược lớn trước các sự kiện lớn…Thị trường không ưa thích sự không chắc chắn và hiện tại chúng ta vẫn đang trong giai đoạn rất không chắc chắn", Pablo Goldberg, nhà quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock ở New York cho biết.
Thị trường tài chính của các nền kinh tế mới nổi đã trải qua những ngày đầu năm mới kém khả quan, với chỉ số cổ phiếu thị trường mới nổi chìm vào sắc đỏ vào đầu tháng 1. Hầu hết các tiền tệ thị trường mới nổi đều giảm so với đồng đô la trong năm nay, trong đó đồng rupee Ấn Độ và đồng real Brazil đang giao dịch ở mức thấp kỷ lục hoặc gần mức thấp kỷ lục khi các kỳ vọng thay đổi về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ và các chính sách của chính quyền Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng đô la.
Các ngân hàng trung ương châu Á - vốn đã thực hiện bảo vệ tiền tệ thông qua các biện pháp can thiệp trước đà tăng giá không ngừng của đồng đô la – hiện đang bắt đầu xem xét lại chiến lược và cân nhắc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế thay vì tập trung vào quản lý tiền tệ.
Nhiều yếu tố không chắc chắn
Carlos Legaspy, Giám đốc điều hành tại Insight Securities cho biết, các nhà đầu tư đang lựa chọn sự an toàn, ít nhất là cho đến khi có thể nhìn thấy những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump diễn ra như thế nào.
Arif Joshi, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Lazard Asset Management cho biết, ông dự kiến những thay đổi trong chính sách thương mại và thuế sẽ có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
"Quy mô và thời điểm của những thay đổi đó rất không chắc chắn…Hiện tại, không nên có rủi ro về kỳ hạn hoặc rủi ro tỷ giá hối đoái ở các thị trường mới nổi", ông cho biết.
Chỉ số cổ phiếu và tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI |
Theo các chiến lược gia của Barclays, đồng ringgit Malaysia, đồng peso Mexico và đồng won Hàn Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương và có thể giảm tới 10% nếu như ông Trump áp thuế đối với một lĩnh vực cụ thể.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố rằng sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và lên tới 60% đối với Trung Quốc, điều này đã gây ra tình trạng bán tháo tài sản thị trường mới nổi. Ông cũng gây ra sự hỗn loạn trong trái phiếu Panama khi ông đề xuất rằng Mỹ nên tái khẳng định quyền kiểm soát kênh đào Panama - một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới - nếu quốc gia này không cắt giảm phí quá cảnh cho các tàu thuyền của Mỹ.
Michael Cirami, nhà quản lý tài sản tại quỹ đầu tư Artisan Partners cho biết: "Ông Trump có thể thức dậy vào giữa đêm và nhắc đến một quốc gia mà chúng ta không ngờ tới, và đột nhiên tình hình thay đổi…Chúng ta cần phải cảnh giác".