Từ cương vị tổng giám đốc công ty phát triển BĐS đã từng thành công trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, nay trở thành đại diện của một quỹ đầu tư nước ngoài tìm kiếm chủ đầu tư BĐS trong nước để hợp tác, ông có thể chia sẻ nhận định của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường BĐS Việt Nam hiện tại?
Lúc này, nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy ở thị trường BĐS Việt Nam tiềm năng rất khác so với giai đoạn trước. Lý do là các chính sách gần đây cho thấy, Chính phủ đã nhận thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong việc phát triển thị trường BĐS. Đặc biệt, thời gian qua Chính phủ đã tập trung nguồn lực mạnh mẽ để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn.
Nhìn lại 2 giai đoạn đặc biệt của thị trường BĐS trước đây là vào những năm 1995, khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ và giai đoạn 2006-2008, khi thị trường BĐS bùng nổ, các nhà đầu tư đã không đạt nhiều lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn mất tiền do chưa hiểu rõ các chính sách, thủ tục đầu tư, cũng như chưa nắm rõ thị trường Việt Nam, nên giờ đây họ rất thận trọng trong việc đầu tư.
Hiện nay, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng “bóp cò” rất thận trọng. Quan điểm của nhà đầu tư là họ có thể mất cơ hội để đầu tư vào một dự án, chứ không thể mất tiền.
Trong bối cảnh đó, vì sao ông vẫn thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn lập quỹ đầu tư BĐS ở Việt Nam?
Quỹ đầu tư Jen Capital nhìn thị trường BĐS Việt Nam là nhìn vào tiềm năng phát triển trong dài hạn.
So sánh thị trường BĐS Việt Nam với các nước trong khu vực, chúng tôi nhận thấy tiềm năng thật sự có ở mọi phân khúc. So với Thái Lan, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu dân, mỗi năm với hàng chục nghìn căn hộ được đưa ra thị trường đã gọi là khó bán thì rất vô lý. So với Philippine, GDP của ta tăng trưởng không thua kém, tuy nhiên, chỉ riêng Thủ đô Manila mỗi năm đã bán được hàng trăm nghìn căn hộ. Các trung tâm thương mại, shopping mall ở TP. HCM cũng chỉ có vài điểm, trong khi tại Philippine, Thái Lan, người dân đi mua sắm đã trở thành văn hóa tiêu dùng. Số lượng khu nghỉ dưỡng, khách sạn của ta còn đi sau khá xa Thái Lan.
Vì sao lại có thực trạng này? Câu trả lời phần lớn nằm ở chính sách. Chúng ta có thể thấy, ngay khi có chính sách cho người nước ngoài và Việt kiều mua và sở hữu nhà, thị trường căn hộ đã có dấu hiệu sôi động hẳn lên. Trong khi đó, các nước khác đã thu hút nhà đầu tư và người nước ngoài từ rất lâu.
Chính sách thu hút đầu tư của chúng ta cần nhìn rộng hơn và học tập các nước trong khu vực. Những gì các nước khác đã áp dụng, làm tốt thì chúng ta nên học tập. Với dân số hơn 90 triệu người, nếu chỉ với khoảng 10%, tức hơn 9 triệu người có khả năng mua nhà đã là lớn, nay lại mở thêm cho người nước ngoài, Việt kiều nữa, thì nhu cầu của thị trường là rất lớn.
BĐS Việt Nam có tiềm năng ở mọi phân khúc
Như vậy, cần thêm đòn bẩy để khơi thông tiềm năng của thị trường BĐS là chính sách phù hợp của Chính phủ, thưa ông?
Đúng thế, nếu Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư, cũng như các tập đoàn, công ty nước ngoài đến đây đầu tư phát triển, thì tôi tin, nhu cầu về BĐS thương mại và nhà ở sẽ tăng lên đáng kể.
Trong lĩnh vực BĐS, nhà đầu tư vẫn gặp rất nhiều rào cản về pháp lý, như sự không rõ ràng về tiền sử dụng đất được quy định theo giá thị trường, các thủ tục về thuế, các quy trình trong việc chuyển lợi nhuận về nước còn rất phức tạp…
Là người có kinh nghiệm lâu năm ở thị trường Việt Nam, ông cũng hiểu rõ là ngay cả với dự án “sạch” về pháp lý, thì cơ hội đầu tư cũng không dễ nếu không tìm được đối tác tin cậy. Thực tế, theo cách đầu tư thông thường là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, doanh nghiệp trong nước phát triển dự án thì rất khó thành công? Jen Capital có cách đi khác biệt nào không?
Đúng là có nhiều chủ đầu tư trong nước không có nhiều kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, nên thường cảm thấy bị thiệt thòi trong việc đàm phán, còn nhà đầu tư nước ngoài tin vào kinh nghiệm, năng lực phát triển dự án của đối tác trong nước, thì thường không được như kỳ vọng.
Nhưng trong một vài năm trở lại đây, thị trường đã xuất hiện những thương vụ hợp tác đầu tư thành công giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một phần nào đó không chỉ do giá BĐS được chào hợp lý hơn, mà nhà đầu tư Việt Nam cũng đã thay đổi về tư duy, họ muốn chia sẻ một phần rủi ro với nhà đầu tư, nên chấp nhận minh bạch hơn.
Jen Capital sẽ tìm kiếm các dự án đáp ứng điều kiện pháp lý và chủ đầu tư uy tín để cùng hợp tác. Điểm đặc biệt của Jen Capital là chúng tôi không chỉ góp vốn đầu tư, mà còn chia sẽ các kinh nghiệm quản lý dự án và phát triển BĐS chuyên nghiệp thông qua một bộ máy điều hành gồm những chuyên gia giàu kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam. Trong định hướng lâu dài, chúng tôi sẽ phát triển một thương hiệu BĐS của Việt Nam theo chuẩn và mang tầm quốc tế.
Thực tế trong thời gian qua, một số ít doanh nghiệp BĐS có thương hiệu uy tín và bộ máy phát triển tốt đã thâu tóm được nhiều dự án, quỹ đất từ các chủ đầu tư khác. Chúng tôi muốn đem đến cho các chủ đầu tư có quỹ đất cơ hội trở thành nhà phát triển BĐS uy tín bằng việc chia sẻ các quy trình, cũng như kinh nghiệm phát triển dự án chuyên nghiệp, theo chuẩn quốc tế thông qua việc hợp tác.
Jen Capital tìm kiếm dự án có quy mô như thế nào?
Chúng tôi tập trung vào các dự án ở vùng đô thị đông dân cư, quy mô khoảng vài trăm căn hộ như ở quận Tân Bình, quận 4, quận 7, quận 10…
Nhà đầu tư nước ngoài có hài lòng với tỷ suất lợi nhuận của dự án căn hộ hiện nay không, thưa ông?
Với tầm nhìn và chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam, phải mất gần 2 năm nhà đầu tư của Jen Capital mới đi đến quyết định đầu tư. Sứ mệnh của Jen Capital là đầu tư hiệu quả và đồng thời chia sẻ trách nhiệm xã hội, cũng như chia sẽ kinh nghiệm phát triển dự án BĐS cho các chủ đầu tư còn ở quy mô vừa và nhỏ.
Thị trường BĐS thời gian qua làm cho nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận. Các dự án BĐS hiện nay không còn kỳ vọng lợi nhuận hơn 20%, mà thường ở mức khoảng 15%. Nếu nhà đầu tư kỳ vọng một mức lợi nhuận vừa phải thì dự án cũng sẽ khả thi hơn.
Quay trở lại với thị trường, ông có tin rằng, chính sách cho người nước ngoài mua nhà áp dụng từ 1/7 tới sẽ là cú huých cho thị trường tiếp tục sôi động?
Luật vừa được thông qua, chính sách còn mới, nhưng thật sự đã tác động rất tốt đến nhu cầu của người nước ngoài và Việt kiều. Cộng đồng Việt kiều như chúng tôi thời gian qua thật sự phấn khởi với chính sách mở này của Chính phủ. Phần lớn chúng tôi đều có nhu cầu ổn định cuộc sống tại quê nhà và đây là nguồn cầu tiềm năng lớn cho BĐS trong nước. Tuy nhiên, để chính sách thật sự hiệu quả, theo tôi, cần có cơ chế một cửa rõ ràng và minh bạch cho người nước ngoài và Việt kiều.
Để tìm mua một chốn an cư mà mất quá nhiều thời gian lo các thủ tục hành chính sẽ dễ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như Việt kiều.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |