Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán châu Á kể từ năm 2008

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù mua ròng trong tháng 12, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán châu Á trong cả năm 2021 với mức bán ròng kỷ lục kể từ năm 2008.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán châu Á kể từ năm 2008

Khối ngoại đã mua ròng cổ phiếu thị trường châu Á 5,85 tỷ USD ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ vào tháng 12, đánh dấu dòng tiền đầu tư hàng tháng lớn nhất vào năm 2021.

Tuy nhiên, khu vực này đã phải đối mặt với tổng dòng vốn rút ròng trị giá 35 tỷ USD vào năm 2021, mức lớn nhất kể từ năm 2008.

Hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán châu Á qua các năm

Hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán châu Á qua các năm

"Dòng vốn đầu tư gián tiếp phần lớn đã xa lánh các thị trường châu Á trong vài tháng qua, phần lớn là do đồng USD tăng giá và các thị trường chứng khoán phát triển hoạt động tốt, trong khi các công ty ở châu Á đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 và các chính sách điều tiết”, Suresh Tantia, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Credit Suisse cho biết.

Các nhà đầu tư đã miễn cưỡng chấp nhận rủi ro vào năm 2021, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ của khu vực do chi phí tăng cao, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và khi Trung Quốc bắt đầu một loạt các quy định kiểm soát đối với các công ty công nghệ và internet của nước này.

Hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại qua các tháng tại một số quốc gia châu Á

Hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại qua các tháng tại một số quốc gia châu Á

Hàn Quốc và Đài Loan là những thị trường phụ thuộc nhiều vào doanh thu xuất khẩu công nghệ đã chứng kiến ​​dòng vốn rút ròng lần lượt là 22,85 tỷ USD và 16,25 tỷ USD trong năm 2021.

Ngoài ra, những lo ngại trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc với tập đoàn xây dựng Evergrande đang phải vật lộn để trả nợ cũng ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư.

Jessica Tea, chuyên gia đầu tư cao cấp tại BNP cho biết: “Ở Trung Quốc, thách thức trong lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong năm 2022, nhưng chúng tôi tin rằng việc nới lỏng mục tiêu sẽ thúc đẩy động lực, đặc biệt với việc nâng cấp sản xuất và đầu tư xanh trở thành điểm sáng”.

Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,4% vào năm 2021, so với mức tăng 16,8% của chỉ số MSCI Thế giới.

Thị trường chứng khoán của Indonesia và Ấn Độ đã ghi nhận dòng vốn vào trong năm 2021 nhưng đã chứng kiến ​​dòng vốn rút ròng 5,12 tỷ USD trong quý IV/2021.

Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại IG cho biết, các nhà đầu tư có thể không muốn chấp nhận rủi ro nhiều hơn ở Ấn Độ, vì quốc gia này có vẻ dễ bị tổn thương hơn trước rủi ro của Covid-19 vì chỉ 43,6% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Chiến lược gia Tantia của Credit Suisse cho biết: “Mặc dù hầu hết các nền kinh tế châu Á đang trong quá trình mở cửa trở lại, nhưng chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ tiếp tục trong thời gian tới”.

"Cổ phiếu châu Á không đặc biệt hấp dẫn so với các cổ phiếu toàn cầu trên cơ sở P/E. Những bất ổn về Covid-19 vẫn còn với sự gia tăng của biến thể Omicron”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục