Trong đà tăng vừa qua, TTB tăng từ 20.750 đồng/cổ phần lên 25.850 đồng/cổ phần, sau đó điều chỉnh một nhịp về 22.500 đồng. Tại giá này, Chủ tịch TTB công bố mua vào. Nếu giao dịch thành công, ông Bộ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 16% lên 21,31%.
TTB có cổ đông lớn chủ yếu là cá nhân. Bà Phùng Thị Nam sở hữu 3,92% là chị của Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, có ông Phùng Văn Thái sơ hữu 10,83% và ông Thân Thanh Dũng sở hữu 10,42%.
TTB đang giao dịch ở mức giá P/E 42,17 lần, trong khi giá trị sổ sách chỉ 11.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức định giá không hấp dẫn so với P/E bình quân thị trường là 16,49 lần và P/E của nhóm cổ phiếu bất động sản dao động từ 8-12 lần.
Với vốn điều lệ hơn 460 tỷ đồng, năm 2018, TTB chỉ đạt lợi nhuận 26 tỷ đồng. Trong năm 2019, TTB đặt kế hoạch doanh thu từ 489,5 tỷ đồng tới 637,3 tỷ đồng, tăng trong khoảng 30-69%, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng từ 22-106%. Cổ tức dao động từ 5-7%. Công ty kỳ vọng sẽ hoàn thiện Tòa nhà A7 bàn giao quý II/2019, hoàn thiện thô tòa nhà CT1 và CTA1 của dự án Green City bàn giao quý IV/2019, để ghi nhận từ 150-200 tỷ đồng doanh thu.
TTB đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, với các dự án mở rộng khu chung cư TBCO giai đoạn III tại Thái Nguyên trong tổng thể chung cư Tiến Bộ, thời gian xây dựng tới quý IV/2022 và có thể đưa vào sử dụng một phần dự án tòa nhà A7 vào quý IV/2019; dự án chung cư thương mại tại Bắc Giang (Green City), dự kiến đưa block CT1 và CT1A vào hoạt động tháng 12/2019 và hoàn thiện các hạng mục tòa nhà CT2 và CT2A quý IV/2021. Với thực tế này, giới đầu tư đang kỳ vọng, TTB có thể hưởng lợi từ sóng giá đất bất động sản khu Đông Bắc tăng lên.
Trong giai đoạn gần đây, sau khi chứng kiến giá bất động sản ở các thành phố lớn tăng nóng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., dòng tiền bắt đầu có sự dịch chuyển sang các tỉnh vùng ven. Giới đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp sở hữu đất ở vùng ven như TTB sẽ có thể tận dụng được thời cơ khi đất xác lập mặt bằng giá mới.
Tuy nhiên, thực tế các dự án của TTB đều không phải là điểm rơi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vào giai đoạn hiện nay. Một số dự án của doanh nghiệp chưa kịp bàn giao trong năm 2019 để tận dụng cơ hội giá bất động sản vùng ven tăng.
Nếu như giá bất động sản khu vực này tăng thì các doanh nghiệp bán đất nền sẽ hưởng lợi nhanh hơn so với các doanh nghiệp phát triển dự án và chưa kịp đưa ra thị trường. Điều tương tự đã xảy ra với cổ phiếu đất nền trên sàn như NTL hay D2D tăng lên nhờ sóng đầu cơ đất nền tại từng khu vực riêng lẻ.
Bên cạnh đó, việc kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu chưa tạo ra dòng tiền dương. Năm 2016, TTB phải huy động 278 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và vay thêm ròng 22,6 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính âm 253,9 tỷ đồng và mở rộng đầu tư.
Năm 2017, TTB tiếp tục vay ròng thêm 33,6 tỷ đồng bên ngoài và dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 12,7 tỷ đồng để phục vụ đầu tư. Năm 2018 doanh nghiệp vay ròng 353,5 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính âm 23,8 tỷ đồng và hoạt động mở rộng. Mặc dù báo cáo dòng tiền hoạt động kinh doanh chính quý I/2019 đã dương trở lại 28,6 tỷ đồng, nhưng dòng tiền này chỉ đủ cho hoạt động đầu tư 21,7 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn phải dùng thêm quỹ tiền mặt để trả bớt nợ vay ròng là 41 tỷ đồng.
Khi đánh giá một doanh nghiệp, kỳ vọng và tính khả thi của kỳ vọng là điểm cần xem xét kỹ. Với TTB, trong ngắn hạn, cổ phiếu có thể được hỗ trợ thanh khoản từ việc Chủ tịch mua vào, nhưng về dài hạn, vấn đề dòng tiền bao giờ quay trở lại vẫn là câu hỏi lớn.