Cụ thể, giá chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (IEF) mất 1,79%, trái phiếu kỳ hạn trên 20 năm (TLT) giảm tới 3,66% so với mức cao nhất tháng 6. Ở thị trường châu Âu, giá trái phiếu chính phủ Đức (DE10) giảm 2,95%, của Anh (GB10) giảm 3,63%, của Pháp (FR10) giảm 3,27%.
Sự tháo chạy khỏi tài sản trái phiếu xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương đồng loạt đưa ra tuyên bố sẽ thu hẹp chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài nhiều năm qua. Các chuyên gia nhấn mạnh vào hành động đồng loạt của các cơ quan điều hành vì nó cho thấy đây là một xu hướng toàn cầu có thể chấm dứt môi trường lý tưởng cho đầu tư trái phiếu kể từ khủng hoảng tài chính thế giới 2009.
Vấn đề đang gây lo ngại hơn nữa là tài sản rủi ro cổ phiếu cũng phản ứng tiêu cực cùng đà bán tháo của trái phiếu. Ở thị trường Mỹ, so với mức cao nhất trong tháng 6, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2,14%, S&P 500 mất 2,23%, Nasdaq mất 4,75%.
Cũng trong khoảng thời gian này, chỉ số DAX của Đức mất 5,42%, CAC của Pháp mất 6,76% và FTSE 100 của Anh mất 3,32%. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chịu nhiều áp lực khi các thành viên muốn sớm chấm dứt chương trình siêu nới lỏng tiền tệ, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã đi tiên phong bằng việc liên tục đưa lãi suất liên bang lên mức 1 - 1,25%/năm.
Quyết định của các cơ quan điều hành dựa trên cơ sở số liệu việc làm, tăng trưởng GDP và niềm tin người tiêu dùng tích cực, cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại và không cần thiết bơm tiền hơn nữa. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, quyết định này có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính do giới đầu tư điều chỉnh lại danh mục tài sản cho phù hợp.
Một diễn biến đáng chú ý là sự đồng loạt mạnh lên của thị trường hàng hóa. Giá hợp đồng tương lai các loại hàng hóa công nghiệp như đồng, nhôm, niken, các hàng hóa nông nghiệp và lương thực như bông, lúa, thịt, đường tăng khá mạnh trong tuần qua.
Đồng USD yếu, kỳ vọng lãi suất tăng kéo theo kỳ vọng lạm phát tăng theo. Lãi suất ngân hàng và lạm phát tăng cao luôn là “khắc tinh” của thị trường chứng khoán, tuy nhiên, điều này này tạm thời chưa diễn ra, cổ phiếu vẫn đang là tài sản có sức hấp dẫn trong một năm trở lại đây.
Trên thị trường Việt Nam, giao dịch bán cuối phiên khiến tâm lý thị trường lo ngại. Đa số nhà đầu tư nghĩ rằng áp lực bán xuất phát từ thông tin xấu. Chúng tôi cho rằng, giá cổ phiếu điều chỉnh do hai yếu tố: Một là chỉ số chứng khoán đã tăng liên tục trong một thời gian dài, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ thiếu nền tảng cơ bản được đẩy lên cao suốt thời gian qua; hai là sự thận trọng của giới đầu tư quốc tế đối với tài sản rủi ro là cổ phiếu cũng tác động đến tâm lý của giới đầu tư nội.
Về mặt chiến lược, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục điều chỉnh danh mục theo hướng tăng khả năng phòng thủ, mua thêm những cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng và chi trả cổ tức cao, kết hợp với các cổ phiếu có beta cao như cổ phiếu tài chính - ngân hàng, bất động sản và chứng khoán.