Chứng khoán tháng 7 liệu có “nổi sóng“?

(ĐTCK) Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đạt 776,47 điểm, tăng 38,65 điểm so với cuối tháng 5, tương đương tăng 5,24%. So với cuối năm 2016, VN-Index tăng gần 17%.
Chứng khoán tháng 7 liệu có “nổi sóng“?

Tuần qua, dòng vốn có sự dịch chuyển khá rõ nét trên thị trường tài chính quốc tế. Cổ phiếu tạm thời bị bán chốt lời, thị trường hàng hóa phục hồi và cùng với đó là sự đi xuống của USD. Sự dịch chuyển chưa đủ mạnh để định hình xu hướng, nhưng đã cho những hàm ý về lạm phát và hướng đi của lãi suất.

Trên TTCK Mỹ, các chỉ số phục hồi mạnh giữa tuần nhờ nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng, nhưng sau đó bị sức ép giảm giá của nhóm cổ phiếu công nghệ kéo xuống. Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm (29/6), chỉ số S&P 500 giảm 0,83%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,56% và chỉ số NASDAQ giảm 2,09%.

Chỉ số công nghệ NASDAQ đã có mức tăng 13,17% từ đầu năm nhờ sự bứt phá của cổ phiếu Facebook, Amazon, Netflix, Google, nên mức điều chỉnh như vậy không quá bất ngờ. Giá chứng chỉ quỹ SPDR đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tuần qua giảm 3,11%, trong khi từ đầu năm, nhóm này đã tăng 12,26%.

TTCK khu vực châu Âu tuần qua điều chỉnh khá mạnh. Chỉ số DAX của thị trường Đức giảm 2,53%, chỉ số CAC của thị trường Pháp giảm 1,92% và chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh giảm 1,01%. Tuy vậy, chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào khu vực này đứng giá. Tính từ đầu năm, giá chứng chỉ này tăng 16,46%.

Trong các nhóm thị trường, nhóm mới nổi vẫn thu hút vốn mạnh nhất nếu so sánh với nhóm phát triển và cận biên. Chứng chỉ quỹ EEM đại diện cho thị trường mới nổi tăng giá 16,29% kể từ đầu năm, trong khi FM của thị trường cận biên tăng 13,81% và EFA của thị trường phát triển tăng 12,17%. Chính sách USD yếu của Tổng thống Mỹ bắt đầu tạo hiệu ứng khiến dòng vốn ưa chuộng các thị trường mới nổi nhiều hơn.

Tuần qua, chỉ số USD (DXY) mất giá khoảng 1,72% so với rổ tiền tệ bao gồm Euro, Bảng Anh, Franc Thụy Sĩ, Yên Nhật. USD yếu nghĩa là giá hàng hóa niêm yết theo đồng tiền này tăng. Các hàng hóa nông nghiệp như lúa, cà phê, bắp đều tăng giá mạnh. Kim loại sản xuất công nghiệp như đồng, nhôm và niken cũng tăng giá trở lại, tiếp diễn xu hướng tăng giá từ năm 2016.

USD yếu là nhân tố kích thích giá hàng hóa tăng, hay chính là lạm phát của kinh tế Mỹ. Điều này có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tự tin theo đuổi chính sách tiền tệ của họ và nâng lãi suất trong quý III, có thể cả quý IV/2017. Diễn biến này có lợi cho các cổ phiếu liên quan đến hàng hóa như cao su tự nhiên, kim loại quý, vật liệu cơ bản.

Diễn biến các nhóm ngành vẫn cho thấy thị trường cổ phiếu đang thể hiện kỳ vọng tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Các nhóm ngành được ưa chuộng là xây dựng nhà ở, bảo hiểm, công nghệ, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, vật liệu cơ bản, hàng hóa lâu bền. Trong khi đó, các nhóm năng lượng, dịch vụ và hàng tiêu dùng thiết yếu đang kém sức hấp dẫn. Cổ phiếu tài chính - ngân hàng và bất động sản bắt đầu được ưa chuộng. Chúng tôi nghĩ, xu hướng tăng giá của thị trường cổ phiếu sẽ còn tiếp diễn dựa vào sự vận động nói trên.

Ở thị trường Việt Nam, các chỉ số chứng khoán tiếp tục lập mức cao mới và không xảy ra điều chỉnh mạnh. Các nhóm ngành hấp dẫn nhất tuần qua là cảng biển, vận tải, thép, sữa, dầu khí, phân bón và ngân hàng. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu khoáng sản, dệt may, cao su và đường bị nhiều nhà đầu tư bán ra.

Chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn thị trường hiện tại, chiến lược nắm giữ, trong đó điều chỉnh danh mục cân bằng giữa cổ phiếu có hệ số beta cao (mức độ biến động lớn hơn thị trường) và cổ phiếu phòng thủ, tức là tăng trưởng đều và trả cổ tức ổn định, sẽ phát huy hiệu quả hơn việc phán đoán và cố gắng tối đa lợi nhuận trong những nhịp biến động ngắn của thị trường.

CTCK VNDIRECT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục