Bán điện lo chậm tiền về
Để đo lường mức độ ảnh hưởng của việc EVN thua lỗ lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh điện, phóng viên Báo Đầu tư đã đặt câu hỏi với một cộng đồng về năng lượng tái tạo có khoảng 200 thành viên cùng một số nhà đầu tư có dự án điện.
Với 4 lựa chọn được đưa ra là “cho EVN nợ tiền bán điện trong 3 tháng và vẫn bán điện bình thường”, “cho EVN nợ 3-6 tháng và vẫn bán điện bình thường”, “không đồng ý cho EVN nợ và không phát điện đến khi thanh toán hàng tháng” và “kiện ra toà vì mua hàng không trả tiền theo hợp đồng”, câu trả lời nhận được cũng khá đa dạng.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, các nhà đầu tư đang chung tay chia sẻ khó khăn với ngành điện. Dù bị cắt giảm công suất, dù chậm thanh toán…, nhưng chưa ai phát đơn kiện. “Nếu không còn phương án nào khác, thì chắc ai cũng chọn phương án 1”, ông Thịnh cho hay.
Thừa nhận rất khó chọn một trong 4 phương án trên, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho hay, giá điện tại Việt Nam quá thấp so với khu vực và thế giới, nên tăng giá điện là bước đi cần thiết và phù hợp. Cùng quan điểm, bà Lê Thu, chuyên gia năng lượng tái tạo cho hay, gần 3 năm rồi giá điện chưa tăng, trong khi mọi thứ đều tăng hết rồi, hết chịu được thì phải tăng giá điện.
“EVN lỗ thì họ cũng không lấy đâu ra mà bù được”, ông Tiến nhận xét, nhưng cũng rất băn khoăn với thực tế là nhà đầu tư đã cam kết với ngân hàng, nếu giờ EVN lỗ lớn lâu dài, sẽ dẫn tới thực tế phải nợ tiền mua điện. Nếu doanh nghiệp bán điện không có dòng tiền khác bù đắp, thì chuyện bị chuyển sang nhóm tín dụng xấu có thể diễn ra.
Theo nhiều nhà đầu tư, nợ 3 tháng còn có thể gồng được, chứ nợ 6 tháng là khó khăn và theo chuỗi trở thành nợ xấu lẫn nhau. “Doanh nghiệp nợ 3 tháng còn nằm trong chu kỳ trả ngân hàng, nhưng nợ sang tháng thứ 4 là bị sang nhóm nợ xấu”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Thậm chí, những nhà máy chỉ trông vào khoản thu từ tiền bán điện, thì chỉ cần chậm tiền thanh toán 1 tháng là đã mệt, vì các khoản chi thường xuyên như tiền lương, chi phí vận hành nhà máy, vận hành đường dây… không thể dừng được.
Chia sẻ về nhận xét “EVN lỗ và dòng tiền là khác nhau, doanh nghiệp đi vay để trả tiền hàng được thì sao EVN không đi vay để trả tiền hàng” của một nhà đầu tư năng lượng tái tạo, nhiều ý kiến cho rằng, rất khó có chuyện này, bởi EVN là doanh nghiệp nhà nước, muốn tự ý làm cũng không được, mà xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước chắc không có ai đồng ý, vì lo gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo EVN cho hay, dòng tiền của EVN lúc này chưa thiếu, nhưng con số 31.000 tỷ đồng lỗ ước tính của năm 2022 nếu không có giải pháp để xử lý, thì sang năm, EVN sẽ khó có nguồn trả cho các nhà cung cấp. Ở đây không chỉ là các nhà máy điện, mà còn cả các nhà thầu trong các dự án đầu tư, hay cung cấp vật tư, phụ tùng cho việc bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy đang vận hành.
Dự án mới khó làm
Năm 2019, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của EVN lãi 523,37 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 0,35%. Năm 2020, EVN ghi nhận khoản lỗ 1.307 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, dù tính chung cả các hoạt động khác vẫn có lãi hơn 4.000 tỷ đồng.
Đây là con số được Bộ Công thương công bố sau khi đoàn kiểm tra (ngoài Bộ Công thương, còn có thêm Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Người tiêu dùng…) tiến hành kiểm tra thực tế sau khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Năm 2021, Bộ Công thương chưa công bố chính thức, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của EVN vẫn tiếp tục lỗ, dù tổng thể vẫn có lãi do các hoạt động tài chính khác bù đắp. Năm nay, thách thức tiếp tục được cộng thêm khi giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới biến động mạnh, khiến chi phí sản xuất điện và chi phí mua điện của EVN tăng rất cao.
Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ tới 64.805 tỷ đồng. Thực tế, 6 tháng đầu năm, EVN đã lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng.
Sau hàng loạt giải pháp như tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ, công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện, EVN vẫn dự kiến lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Điều đáng nói là, trong khi mảng sản xuất - kinh doanh điện của EVN gặp khó khăn, thì rất nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã đổ xô vào làm điện. Lý do chính là giá mua điện của các dự án này theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 9,35 UScent/kWh với mặt trời, 8,5-9,8 UScent/kWh với điện gió đều cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân chưa đến 8 UScent/kWh mà EVN bán ra.
Dĩ nhiên, khi EVN phải có trách nhiệm mua nguồn năng lượng tái tạo này, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của Tập đoàn tiếp tục không hiệu quả.
Khác với các dự án điện gió, điện mặt trời trước đây có sẵn giá FIT nên không phải đàm phán, các dự án nguồn điện khác chưa có giá khi đàm phán để bán điện cho EVN trong khoảng 5 năm trở lại đây đã gặp những thách thức không dễ vượt qua, khi giá bán điện cho EVN cao hơn giá EVN bán điện ra cho người dân.
Điều này khiến các cơ quan chức năng khó cho ý kiến ủng hộ bởi lo gây thua lỗ cho Nhà nước. Chính vì vậy, dù có rất nhiều dự án điện lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đã vài ba năm nay chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện để chuyển sang bước xây dựng nhà máy.
Có thể nhắc tới Dự án BOT nhiệt điện Nam Định 1 có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2017, Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu có giấy chứng nhận đầu tư đầu năm 2020, Dự án điện Nhơn Trạch 3&4 có quyết định đầu tư từ tháng 2/2019, hay các chuỗi dự án Khí - Điện Lô B, Khí - Điện Cá Voi Xanh đã có giá khí đầu vào được chốt từ năm 2017, nhưng giờ vẫn đang tắc.
Đó là chưa kể cả chục dự án điện khí LNG khác đã có chủ trương đầu tư, hay rầm rộ khởi công hạ tầng trong vài năm qua. Lý do không có gì mới là giá điện muốn bán cho EVN cao hơn giá điện EVN bán ra các hộ tiêu thụ, nên các cơ quan chức năng rất chần chừ ủng hộ.
Và với thực tế giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) kể từ tháng 3/2019 tới nay, tương lai của các dự án điện mới sẽ rất khó khăn.