Nhà đầu tư "kiếm bộn" từ trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đem lại khoản lợi nhuận lớn cho một số nhà đầu tư trong năm 2013, thậm chí đây còn là kênh đầu tư sinh lãi cao nhất cho một vài ngân hàng.
Nhà đầu tư "kiếm bộn" từ trái phiếu doanh nghiệp

Tiết lộ của một ngân hàng lớn trên thị trường trái phiếu cho biết, năm 2013, tỷ lệ lãi biên (NIM) của danh mục đầu tư TPDN tại ngân hàng này đã lên tới xấp xỉ 5%.

Theo ngân hàng trên, con số 5% này được tính theo giá vốn cả ngắn hạn và trung, dài hạn. Còn nếu chỉ tính trên giá vốn trung, dài hạn, NIM của danh mục TPDN khoảng 2-2,5%, bởi giá vốn trung, dài hạn thường cao hơn giá vốn ngắn hạn.

Kết quả này là rất đáng kể nếu đem so sánh với NIM chung của hệ thống ngân hàng. NIM của Eximbank và ACB trong 6 tháng đầu năm đã giảm xuống lần lượt là 2,5% và 3,7%, trong khi đó, NIM của Vietcombank cũng chỉ khoảng 2,7% (theo thống kê của CTCK Vietcombank). Tỷ lệ này nhìn chung đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2013, do các ngân hàng giảm hoạt động cho vay, khiến cho tỷ lệ sinh lời theo đó cũng suy giảm.

Cũng tại ngân hàng nói trên, tăng trưởng tín dụng của riêng TPDN đã chiếm đến hơn một nửa tăng trưởng tín dụng của cả ngân hàng trong 2013.

Một tổ chức đầu tư khác là Quỹ VDeF B của Dragon Capital, TPDN cũng đã đóng góp những khoản lợi nhuận đáng kể.

Quỹ VDeF B đã báo cáo kết quả tăng tài sản ròng bất ngờ lên tới 15,2%, cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm 7%/năm và cũng cao hơn mức tăng của các chỉ số tham chiếu cho thị trường trái phiếu, vào khoảng 12% (chỉ số tham chiếu DC Bond Liquid Index của Dragon Capital tăng 12% trong năm 2013, chỉ số Bond-Index 2 năm của Công ty Quản lý quỹ VFM tăng 12,5%, trong khi chỉ số Bon-Index 1 năm chỉ tăng 8,7%).

Mặc dù Dragon Capital viết trong báo cáo cuối năm rằng, thành tích trên có được là nhờ VDeF B đã dịch chuyển từ các khoản trái phiếu chính phủ ngắn hạn sang các khoản trái phiếu dài hạn hơn với lợi suất cao hơn, nhưng có một đặc điểm rất rõ ràng là, VDeF B đã phân bổ tỷ trọng lớn lên tới hơn 20% vào TPDN. Bản thân quỹ VDeF A, cũng của Dragon Capital, với chiến lược thận trọng hơn và phân bổ ít hơn vào TPDN, chỉ đạt được mức tăng 11,7% trong cùng kỳ.

“Mức tăng tới 15% của VDeF B là kết quả hiếm hoi trong thị trường trái phiếu khu vực và cũng càng hiếm hoi đối với thị trường trái phiếu quốc tế”, một nhà đầu tư cá nhân nhận xét về quỹ trái phiếu của Dragon Capital.

Trong Báo cáo thống kê của Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng BIDV viết, mặt bằng lãi suất phát hành giảm rất mạnh từ mức tham chiếu 15%/năm cho kỳ hạn 5 năm vào đầu năm, xuống còn 11%/năm của cùng tổ chức phát hành - đà giảm này thể hiện nhu cầu đầu tư đã tăng mạnh trong năm.

Tại các tổ chức đầu tư khác, xu hướng đầu tư mạnh hơn vào TPDN đang ngày càng thể hiện rõ nét.

Hai công ty quản lý quỹ thuộc hai ngân hàng cho biết, trong năm 2014 sẽ lập quỹ đầu tư TPDN, với dự tính kênh đầu tư này sẽ đem lại khoản lợi nhuận lớn, đồng thời công ty cũng được hưởng sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Hai công ty này trước đó đều chưa từng quản lý quỹ đầu tư nào.

Tất nhiên, không phải tổ chức đầu tư nào cũng thu lãi lớn từ TPDN như hai đơn vị trên. Một số ngân hàng chia sẻ, trong năm qua, họ thực hiện giao dịch trái phiếu chủ yếu làm đệm đỡ thanh khoản cho ngân hàng, mức độ sinh lời không thực sự nổi bật.

Thậm chí, có những ý kiến còn cho rằng, TPDN trong năm 2014 sẽ giảm sức hấp dẫn, do lãi suất của loại tài sản này đến nay đã giảm rất mạnh. Nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng BIDV nhận xét, chênh lệch lãi suất giữa TPDN và trái phiếu chính phủ bị thu hẹp tương đối mạnh trong năm 2013, cộng với việc Thông tư 02/2012/TT-NHNN với các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ tháng 6/2014, sẽ là các yếu tố khiến TPDN bớt đi phần hấp dẫn so với trái phiếu chính phủ.

“Nhu cầu đầu tư TPDN trong năm 2014 được dự báo ổn định, có thể giảm nhẹ so với 2013”, Nhóm nghiên cứu dự báo.                    

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục