Lướt sóng
Thị trường chứng khoán vừa có nhịp hồi phục khá tích cực. Tính đến 5/8/2021, chỉ số VN-Index đã có chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tục. Thanh khoản có phần cải thiện về cuối tuần, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE phiên 5/8 đạt 17.400 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư đã “dám” giao dịch hơn.
Thông tin kết quả kinh doanh quý II cũng như nửa đầu năm 2021 đang được các doanh nghiệp dồn dập công bố, trong đó có nhiều doanh nghiệp báo cáo những khoản lãi cao, cộng với việc số ca nhiễm mới thống kê theo ngày của cả nước không có chiều hướng đi lên đã giúp tâm lý nhà đầu tư nhẹ nhõm hơn. Theo đó, dòng tiền đang luân chuyển khá nhanh qua các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép, phân bón, cảng biển, logistic…, thay vì tập trung vào nhóm “bank - chứng - thép” như giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Nhà đầu tư Đ.M.Trí (ở TP.HCM) cho biết, từ ngày 26/7, khi nhận thấy dịch bệnh có phần chững nhẹ và tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường sẽ có nhịp hồi tích cực, anh đã quyết định mua vào 4 mã cổ phiếu SSI, VND, SHS, VCI.
Theo quan niệm của nhà đầu tư này, chứng khoán là nhóm cổ phiếu rất nhạy bén với diễn biến của thị trường chung, cứ thị trường chung tăng là nhóm này sẽ “dẫn xướng”.
Anh Trí ưu tiên chọn cổ phiếu đầu ngành, vì theo anh đây luôn là các cổ phiếu hưởng lợi đầu tiên khi thị trường tăng điểm.
Cổ phiếu nào đạt mức tăng hơn 10% là anh chốt lãi, chiến thuật này đã mang lại khoản lời 15% giá trị tài khoản trong 2 tuần qua. Thực tế, giai đoạn từ ngày 26/7 /2021 - 5/8/2021, cổ phiếu SSI đã tăng 13,64%, SHS tăng 13,21%, VND tăng 22,78%, VCI tăng 17,72%.
Khá nhiều nhà đầu tư cũng có chung chiến thuật này.
Anh Trần Phong, nhà đầu tư bám thị trường cho rằng, giai đoạn này, nhà đầu tư có thể mở các trạng thái mua đầu cơ ngắn hạn.
Lý do là, thị trường hồi phục trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô nửa cuối năm dự kiến không tốt do hậu quả của làn sóng Covid-19 thứ 4 và chính sự khác biệt giữa thực trạng kinh tế vĩ mô với diễn biến thị trường chứng khoán khiến các rủi ro đầu tư lâu dài trên thị trường gia tăng mạnh so với nửa đầu năm.
Ngoài ra, mặt bằng giá cổ phiếu dù có điều chỉnh 10 - 20% từ đỉnh nhưng vẫn chưa đủ rẻ để mở các vị thế đầu tư lâu dài.
Về chiến lược đầu cơ ngắn hạn, nhà đầu tư này cho rằng, nên chốt lời khi cổ phiếu tăng giá từ 5 - 15% và cắt lỗ khi giảm 5 - 7%, lệnh mua bán phải nhanh, dứt khoát.
Anh Trần Phong đã chia sẻ trong cộng đồng nhà đầu tư của mình các cơ hội trading, chẳng hạn bộ ba hàng thị giá cao là VIC, NVL, VCS đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đã tích lũy bình ổn xong và chuẩn bị cho một sóng tăng mới.
Trong đó, VIC được cho là hội tụ đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi” để dẫn sóng giai đoạn này, với tâm điểm là thông tin Tập đoàn Vingroup nhận chuyển giao độc quyền sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 từ công ty công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ).
Với việc nhạy bén trước các thông tin, anh Phong cùng nhóm đầu tư tạm có lợi thế về giá vốn thấp ở vùng 107.000 đồng/cổ phiếu (3/8), so với giá phiên 5/8 là 114.000 đồng/cổ phiếu, tạm lãi hơn 6%.
… Trên những cổ phiếu “có câu chuyện”
Khối lượng giao dịch trong phiên 5/8/2021 vẫn nằm dưới đường trung bình 50 ngày.
Bình tĩnh hơn là tâm lý chung của thị trường lúc này. Tuy vậy, việc số ca nhiễm mỗi ngày vẫn ở con số hàng ngàn, thời gian thực hiện phong toả tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội để phòng chống dịch dự báo tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến toàn nền kinh tế, tâm lý nghi ngờ, thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn. Bằng chứng là thanh khoản dù có sự cải thiện so với khoảng 1 tuần trước, nhưng khối lượng giao dịch trong phiên 5/8 vẫn nằm dưới đường trung bình 50 ngày.
Một số nhà đầu tư lâu năm và môi giới kỳ cựu đều gặp nhau ở quan điểm, giai đoạn này, nhà đầu tư vẫn phải ưu tiên quản trị rủi ro, hạn chế vào các mã penny bị “lái giá” quá mạnh.
Danh mục đầu tư cũng chỉ nên có khoảng 4 - 5 mã cổ phiếu để tối ưu hoá đồng vốn. Nhà đầu tư không nên cho rằng doanh nghiệp A miễn nhiễm với thị trường, doanh nghiệp B tăng trưởng bất chấp đại dịch… để rồi có hành động giải ngân chủ quan.
Hầu hết khuyến nghị của giới chuyên gia đưa ra lúc này là ưu tiên các cổ phiếu có động lực mạnh nhất thị trường trong danh mục. Đó là nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2021 tăng trưởng mạnh và hưởng lợi từ câu chuyện giá hàng hóa đi lên.
Những ngày qua, bất động sản là nhóm thu hút dòng tiền khá tốt. Song theo các chuyên gia của Quỹ đầu tư Dragon Capital, cơ hội sẽ nằm ở các cổ phiếu “có câu chuyện” như tăng vốn, chuyển nhượng dự án, có tiến độ bán hàng tốt và khả năng hạch toán lợi nhuận trong nửa cuối năm nay.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm dẫn sóng thị trường trong nửa đầu năm, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, do đã có sóng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, nên cơ hội sẽ nằm ở các cổ phiếu có câu chuyện tăng vốn, hoặc có lợi nhuận đột biến từ bán công ty tài chính, hoặc từ hợp đồng bancasurance…
Còn ở các nhóm ngành khác, nhà đầu tư nên ưu tiên doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng và có dư địa để tăng tiếp trong nửa cuối năm.
Phân bón hiện đang là một trong những nhóm cổ phiếu hội tụ cả 2 yếu tố này. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung phân bón giảm, trong khi nhu cầu phân bón cho nông nghiệp gia tăng đã đẩy giá phân bón tăng cao. Nhờ vậy, hầu hết các doanh nghiệp ngành này đều báo lãi tốt trong 6 tháng đầu năm.
Giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục neo cao cho đến cuối năm, trở thành điểm tích cực cho nhóm cổ phiếu ngành này. Các cổ phiếu DPM, DDV, LAS, BFC… đều có đà tăng giá tốt.
DRC, doanh nghiệp về săm lốp cao su, cũng đang có những phiên tăng điểm ấn tượng, thậm chí phá vỡ vùng đỉnh lịch sử nhiều năm. Lý giải điều này, theo ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán SHS Chi nhánh TP.HCM cho biết, Công ty vừa báo lãi 6 tháng đầu năm 2021 cao gấp đôi cùng kỳ trong bối cảnh dịch bệnh.
Ngoài ra, DRC có chất lượng tài sản tốt, vốn hóa hiện tại 3.932 tỷ đồng so với giá trị tài sản 2.677 tỷ đồng. DRC có tài sản cố định hữu hình 3.227 tỷ đồng đã khấu hao 2.217 tỷ đồng. Vùng vốn hóa so với tổng tài sản đã khấu hao và vẫn duy trì tăng trưởng tốt như hiện tại là hợp lý.
Nhà đầu tư kỳ vọng DRC sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi nhu cầu đi lại gia tăng ở Mỹ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Mỹ là thị trường DRC đang gia tăng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu, mở rộng sản xuất khi tiếp tục đầu tư nhà máy thứ ba…
Cẩn trọng hơn, bám sát diễn biến dịch bệnh, đi theo dòng tiền để có hành động kịp thời cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư thích hợp là chiến lược nhiều nhà đầu tư đề ra trong giai đoạn phải “sống chung với giãn cách”.