Nhà đầu tư địa ốc "khóc" trên đống tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang trong tình cảnh “khóc ròng” trên đống tài sản khi không thể bán ra trong bối cảnh hiện nay.
Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn mua dễ, bán khó. Ảnh: Việt Dũng Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn mua dễ, bán khó. Ảnh: Việt Dũng

Anh Nguyễn An (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) kể, cuối năm 20219, anh mua căn hộ tại một dự án ở quận 12 với mức giá 2,5 tỷ đồng. Trong đó, đóng theo tiến độ 800 triệu đồng và 1,7 tỷ đồng còn lại ngân hàng hỗ trợ. Theo dự tính, anh sẽ đóng vài đợt rồi bán ra để hưởng chênh lệch.

Tuy nhiên, số tiền đã đóng hiện lên tới gần 800 triệu đồng mà vẫn chưa thoát được hàng và điều khiến anh đau đầu hơn là tới lúc hoàn thiện hồ sơ vay thì ngân hàng thông báo khoản vay của anh không được duyệt vì nguồn thu không đảm bảo.

“Đóng tiếp thì không có tiền, muốn bán giá gốc để thu hồi vốn cũng không xong vì bên mua ép giá quá”, anh An sốt ruột nói.

Một nhà đầu tư khác - chị Hồng Hạnh (40 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho hay, cùng thời gian trên, chị mua một căn nhà phố trên địa bàn với giá 8 tỷ đồng, mục đích ban đầu là mua để ở và có sẵn 2,5 tỷ đồng đóng theo tiến độ dự án, phần còn lại sẽ vay với ngân hàng liên kết với dự án.

Theo lời kể của chị Hạnh, lúc đầu làm việc với sales dự án và ngân hàng tài trợ vốn thì mọi việc đều ổn thỏa, đến khi đóng được 2,4 tỷ đồng thì ngân hàng bất ngờ thông báo hồ sơ của chị không được chấp thuận do hết room tín dụng. Lúc này, do không còn tiền đóng tiếp nên chị đành rao bán lại căn nhà phố này với giá 7,6 tỷ đồng và chấp nhận lỗ 400 triệu đồng.

Không chỉ phân khúc căn hộ hay nhà phố gặp khó, nhà đầu tư “ôm” đất nền cũng đứng ngồi không yên vì không đẩy được hàng. Chị Hoàng Anh - một nhà đầu tư bất động sản ở huyện Nhà Bè (TP. HCM) cho biết, đầu năm 2022, thấy nhiều nơi đất nền vẫn “sốt nóng” nên quyết định mua một nền đất diện 90 m2 ở xã Phước Kiển với giá 5,4 tỷ đồng (tương đương 60 triệu đồng/m2), trong khi chỉ có khoảng 2 tỷ đồng trong tay, số tiền còn lại là đi vay.

“Dự tính là giữ đến giữa năm mới bán, nhưng có công chuyện đột xuất cần đến tiền nên tôi quyết định rao bán lại lô đất với giá 5,5 tỷ đồng, thế nhưng không ai hỏi mua. Tôi dùng nhiều vốn vay nên phải bán gấp để giảm áp lực trả nợ cũng như thu hồi vốn lo việc gia đình. Bây giờ chỉ có chấp nhận bán lỗ mới mong bán được. Đất đai mấy năm trước mua bán dễ, còn bây giờ khó quá”, nhà đầu tư này than thở.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản khó khăn, thanh khoản sụt giảm mạnh, nhưng đây vẫn được xem là tài sản trú ngụ an toàn trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư bất động sản cần cân nhắc 3 nhóm yếu tố: Một là giao dịch thị trường đang chậm lại; hai là giá bán thứ cấp có xu hướng giảm nhẹ, nhất là ở khu vực xa trung tâm; ba là ngân hàng siết tín dụng, lãi suất vay đang trong xu hướng tăng.

“Từ 3 yếu tố trên, cộng với quan sát thị trường thứ cấp cũng diễn biến khá yếu, có thể giá bất động sản sẽ có sự điều chỉnh giảm trong những tháng cuối năm nay. Thời điểm này, chỉ nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mới nên cân nhắc xuống tiền và nên đầu tư dài hạn, bởi chiến lược ‘lướt sóng’ ngắn hạn hiện không còn phù hợp”, ông Quang lưu ý.

Còn bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, hiện đã qua giai đoạn cứ bỏ vốn vào bất động sản là thắng. Theo chuyên gia này, có nhiều thách thức đối với kênh đầu tư bất động sản, đó là chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành làm 2 kênh huy động vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, việc chi phí kinh doanh, chi phí vốn tăng cao hơn cùng tâm lý thắt chặt tiêu dùng của người dân, trong đó có chi tiêu cho bất động sản, cũng là khó khăn mà thị trường phải đối mặt những tháng cuối năm 2022.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục