Chủ đầu tư “nghĩ kế” kích thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều chủ đầu tư “âm thầm” giảm giá nhà bằng các chương trình chiết khấu thẳng vào giá bán đi kèm nhiều ưu đãi khác để giải quyết bài toán thanh khoản, khi giao dịch sụt giảm mạnh ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Giá nhà ở đang cao hơn nhiều so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Giá nhà ở đang cao hơn nhiều so với thu nhập của đại bộ phận người dân.

Anh Nguyễn Hoàng, chủ một sàn môi giới chuyên các sản phẩm chung cư tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, từ đầu năm 2022 tới nay, công ty anh nhận ký gửi hàng chục sản phẩm với giá bán giảm đáng kể so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, nhiều khách hàng là nhà đầu tư lâu năm và sản phẩm ký gửi hầu hết là nhà chung cư đang trong giai đoạn nhận bàn giao.

“Có khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư 30% giá trị căn hộ, nhưng do hồ sơ vay vốn ngân hàng chưa được duyệt nên buộc phải bán sớm để thu hồi vốn”, anh Hoàng nói, đồng thời cho biết thêm, mặc dù chấp nhận bán “lúa non”, thậm chí dưới mức giá chủ đầu tư đưa ra, nhưng vẫn khó bán. Trong số căn hộ nhận ký gửi, tới nay mới bán được 2 căn, còn lại đa số cuộc gọi đến là để thăm dò giá bán.

Tình trạng thanh khoản kém không chỉ diễn ra trên thị trường thứ cấp, mà với cả thị trường sơ cấp. Nhiều sàn môi giới cho biết, sức mua căn hộ trong 4 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, nhiều dự án đưa ra giá bán dự kiến để thăm dò thị trường và nhận đặt cọc trong quý I/2022, nhưng vì lượng khách giữ chỗ không cao như kỳ vọng nên đến nay vẫn chưa chốt được ngày mở bán chính thức.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đang phát triển dự án chung cư tại quận 12, TP.HCM cũng xác nhận, dự án có 5 block nhà cao 20 tầng, hiện bán hết 4 block và chuẩn bị bàn giao căn hộ cho khách hàng. Block còn lại đang trong giai đoạn mở bán, nhưng rất ít giao dịch. Công ty đã tăng cường quảng cáo, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng để giới thiệu sản phẩm, nhưng lượng “chốt cọc” vẫn không mấy cải thiện.

Để cứu vãn tình thế, nhiều chủ đầu tư giảm giá sản phẩm bằng cách chiết khấu thẳng vào giá bán, hoặc có phương án hỗ trợ khách hàng giảm thiểu áp lực tài chính. Chẳng hạn, Tập đoàn Bất động sản An Gia áp dụng chính sách ưu đãi thanh toán cho người mua căn hộ tại Dự án Westgate. Theo đó, khách hàng chỉ cần thanh toán trước 699 triệu đồng là có thể nhận nhà, phần tiền còn lại sẽ được ngân hàng cho vay trong 2 năm không lãi suất và ân hạn nợ gốc.

Ngoài ra, chủ đầu tư này còn đưa ra chương trình cam kết lợi nhuận theo tiến độ thanh toán. Cụ thể, nếu thanh toán 50% giá trị căn hộ trong đợt đầu tiên bằng vốn tự có, khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi khoảng 405 triệu đồng trên tổng giá trị căn hộ, lợi nhuận cam kết tối đa 18% trên tổng số tiền thanh toán.

Hay với Tập đoàn Hongkong Land, chủ đầu tư này cho khách hàng nhận căn hộ trong chung cư The Marq (quận 1) khi thanh toán trước 50% tổng giá trị hợp đồng, phần còn lại sẽ trả trong 18 tháng tiếp theo với lãi suất tối đa 9%/năm cùng ưu đãi ân hạn nợ gốc 18 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, được chiết khấu từ 1,5-4% vào giá bán, được tặng một chỗ đậu ô tô trị giá từ 300-700 triệu đồng…

Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản phân khúc chung cư giảm mạnh thời gian qua là các dự án sau luôn được chủ đầu tư định giá bán cao hơn dự án trước để cho thấy giá trị dự án cũng như người đầu tư có lợi nhuận. Thậm chí, khi giá tăng đến mức không bán được nhà, họ vẫn không giảm giá trực tiếp nhằm tránh mang tiếng dự án bị bán tháo. Để tháo “van” thanh khoản, chủ đầu tư sẽ thực hiện các chính sách giảm giá thông qua các chương trình ưu đãi, chiết khấu. Nếu trừ hết các chi phí ưu đãi này, giá mua thực tế sẽ giảm đáng kể.

“Giá nhà ở hiện đang cao hơn nhiều so với thu nhập của đại bộ người dân. Vì vậy, chính sách khuyến mãi, chiết khấu của các chủ đầu tư là dấu hiệu tích cực, giúp người có nhu cầu ở thực tiếp cận được nhà. Các chủ đầu tư cũng nhận ra rằng, nhu cầu này mới thực sự bền vững”, ông Đán nói.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục