Nhà đầu tư đang “bắt đáy” bất động sản nghỉ dưỡng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã bắt đầu xuất hiện làn sóng “bắt đáy” bất động sản nghỉ dưỡng. Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam có những chia sẻ về câu chuyện này. Thành Nguyễn thực hiện.
Nhiều nhà đầu tư đang đổ về Đà Nẵng để bắt đáy các khách sạn trong diện "thanh lý". Ảnh: Thành Nguyễn. Nhiều nhà đầu tư đang đổ về Đà Nẵng để bắt đáy các khách sạn trong diện "thanh lý". Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhiều thị trường nghỉ dưỡng đã đóng băng suốt khoảng 3 năm qua, và hiện khi du lịch có dấu hiệu rõ nét của việc phục hồi, không ít nhà đầu tư đang cho thấy tín hiệu bắt đáy. Quan sát diễn biến thị trường, ông có nhận thấy dấu hiệu này?

Ông David Jackson

Ông David Jackson

Về mặt tâm lý nhà đầu tư mà nói, đúng là có một số người tin rằng đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của đại dịch đã qua đi và một chu kỳ tăng trưởng mới đang bắt đầu. Đây không phải là niềm tin thiếu căn cứ trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang dần hồi phục và năng động trở lại. Do đó, một số nhà đầu tư có thể muốn tranh thủ “xuống tiền” trong giai đoạn này để tìm kiếm lợi nhuận lớn về sau.

Theo ông, với bất động sản nghỉ dưỡng, đâu là sản phẩm sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong ngắn hạn khoảng 1 năm?

Trong số các phân khúc bất động sản thì bất động sản nghỉ dưỡng dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây nên. Phân khúc này sớm sôi động trở lại hay không có quan hệ mật thiết với đà hồi phục của ngành du lịch và du khách quốc tế.

Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp đại dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế tốt và không gây nên những khó khăn lớn thì cần ít nhất là 2 - 3 năm để ngành du lịch đạt đến mức độ tăng trưởng của giai đoạn trước đại dịch.

Do tiềm năng sinh lời cao vì được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng và dịch vụ nên đất nền cạnh các khu nghỉ dưỡng khá phù hợp để đầu tư. Mức độ sinh lời tất nhiên là tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả thời gian.

Về dài hạn, với bất động sản nghỉ dưỡng, chu kỳ đầu tư nên trong khoảng bao lâu?

Các nhà đầu tư đương nhiên là có những mục tiêu khác nhau. Ở những dự án mới, giai đoạn đầu trong quá trình phát triển hạ tầng và các hạng mục liên quan sẽ khá phù hợp để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn tương đối ngắn.

Tuy nhiên, do cần đầu tư nguồn vốn lớn và nhiều hạng mục so với một số loại hình bất động sản khác nên bất động sản nghỉ dưỡng nhìn chung phù hợp với quá trình đầu tư trung và dài hạn.

Tiềm năng sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng và sự phát triển đồng bộ của khu vực xung quanh. Nếu nằm gần các khu giải trí lớn, đại đô thị, địa danh du lịch nổi tiếng, bãi biển đẹp… thì quá thuận lợi để bất động sản gia tăng giá trị.

Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ, sự độc đáo của dịch vụ và mức độ hiệu quả của đơn vị vận hành cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến doanh thu và sự “hấp dẫn” của bất động sản trong mắt những nhà đầu tư khác.

Nghĩ đến việc được thừa hưởng sẵn những nền tảng tốt mà chủ cũ để lại mà không cần tốn thêm nguồn lực để xây lại từ đầu, các nhà đầu tư mới sẽ có thêm lý do thuyết phục để quyết định “xuống tiền”.

Với khu nghỉ dưỡng thì mức lợi nhuận 10 - 15%/năm được xem là cao và có thể thu hồi vốn sau 5 - 10 năm.

Về mặt địa bàn thì khu vực như thế nào nên được ưu tiên đầu tư (biển, núi, khu vực đã hình thành thị trường du lịch quen thuộc hay thị trường mới nổi)?

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với thiên nhiên tươi đẹp ở mọi miền đất nước. Dịch vụ nghỉ dưỡng ở các khu vực ven biển chừng nào đó nổi bật hơn nhưng các khu vực cao nguyên, vùng núi cũng có những thế mạnh độc đáo và đang từng bước được nhiều doanh nghiệp khai thác hiệu quả.

Thực tế, một số doanh nghiệp trong nước đang làm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng ở các vùng núi rất tốt. Họ chính là những người tiên phong, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến sau tận dụng các điều kiện đó.

Hiện tại, bất động sản ở nhiều khu vực ven biển đã tăng khá cao và xu hướng này dường như còn tiếp tục. Trong khi đó, nhiều khu vực với thắng cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ ở cao nguyên, vùng núi vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển và tạo ra lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.

Sản phẩm đầu tư cần thỏa mãn những tiêu chí thế nào?

Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cần gắn với tiềm năng du lịch, đà phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương. Với những sản phẩm gắn liền với dịch vụ, chủ đầu tư cần nỗ lực tạo ra chất lượng dịch vụ xứng đáng để trải nghiệm, có “bản sắc” riêng để thu hút du khách. Điều này có liên quan mật thiết đến việc thuê đơn vị quản lý vận hành có năng lực tốt và hiệu quả.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục