Kỳ vọng nhiều từ phục hồi du lịch
Cuối tháng 11/2019, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô ra thông báo chấm dứt chi trả lãi suất 12%/năm từ ngày 1/1/2020 cho khách hàng đã mua condotel ở dự án Cocobay Đà Nẵng, bất chấp hợp đồng cam kết.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực vì khiếm khuyết pháp lý, giờ chịu thêm một cú sốc trên, cùng với đại dịch Covid-19 ập đến như cú đòn mạnh, hạ đo ván phân khúc từng được xem là rất tiềm năng này. Kể từ đó, bất động sản nghỉ dưỡng bước vào kỳ “nghỉ dưỡng” dài ngày.
Đến thời điểm hiện tại, khi các điểm xấu nhất của thị trường đã bộc lộ rõ, ngành bất động sản nghỉ dưỡng đang có cơ hội sửa sai để trở lại, nhất là trong bối cảnh Chính phủ cho phép mở cửa thí điểm trở lại ngành du lịch - một lĩnh vực vốn gắn chặt với phân khúc này.
Theo ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), khi dịch được khống chế, các thị trường du lịch có cơ hội đón khách nội địa và cả khách quốc tế. Việc kinh doanh du lịch sẽ phục hồi dần từ cuối năm 2021 và là cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Từ Đà Nẵng, một trong những địa phương sở hữu nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nhất, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng song hành với sự phát triển của du lịch, tương tác hai chiều.
Điều này thể hiện khá rõ suốt thời gian qua, khi hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ của Đà Nẵng được phát triển mạnh, đóng góp cho sự thăng hoa của du lịch.
Tuy nhiên, khi Covid-19 tác động tiêu cực đến du lịch, thì bất động sản nghỉ dưỡng cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Với việc Chính phủ có chủ trương cho Đà Nẵng và một số địa phương khác được đón khách du lịch quốc tế, ngành du lịch nói riêng, kinh tế Đà Nẵng nói chung bước vào giai đoạn phục hồi, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng đứng trước cơ hội bật tăng trở lại sau hơn 2 năm “ngủ đông”.
Trong khi đó, theo quan điểm của bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property, doanh nghiệp đã có nhiều năm gắn bó với thị trường Đà Nẵng, thì địa phương này đang đứng trước cơ hội lớn khi được thí điểm đón khách quốc tế.
Tuy nhiên, bà Linh có một gợi ý khá thú vị, đó là ngoài việc phát triển các dự án du lịch, nghỉ dưỡng đơn thuần, việc triển khai các khu đô thị hiện đại, đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài sống và làm việc ở Đà Nẵng, cũng như các nhà đầu tư sẽ giữ một vai trò quan trọng, giúp cân bằng cho thị trường, tránh việc chỉ tập trung cho lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Mặt khác, hướng đi này sẽ góp phần phát triển bộ mặt đô thị, kinh tế địa phương và có đóng góp lớn cho kinh tế thành phố.
Cũng theo bà Linh, gói kích thích, cùng với việc mở cửa các đường bay quốc tế, áp dụng hộ chiếu vắc-xin là điều mà những doanh nghiệp như Sun Property rất mong chờ. Mở cửa, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, địa phương đón được nhiều hơn khách quốc tế, bớt phụ thuộc vào khách nội địa mang tính mùa vụ rõ rệt.
Bất động sản nghỉ dưỡng nỗ lực trở lại sau kỳ “ngủ đông” kéo dài. |
Chuẩn bị để “bung lụa”
Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup (mã chứng khoán VIC), việc từng bước mở lại du lịch trong nước là tín hiệu đáng mừng với ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng như Vingroup. Tập đoàn đã chuẩn bị kỹ để đón chào khách du lịch quốc tế và trong nước.
Theo ông Hiệp, Vingroup có nhiều cơ sở du lịch lớn, đã khánh thành trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Trong đó, đáng chú ý là 3 cơ sở ở Nam Hội An, Phú Quốc, Nha Trang sẵn sàng phục vụ tất cả các dịch vụ khép kín nội khu cho du khách như đánh golf, ăn uống, tắm biển, vui chơi, giải trí… Ngoài ra, Vingroup còn đầu tư thêm nhiều hạng mục mới để tiếp tục phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.
Ông Hiệp cho rằng, đây có thể là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới khi chúng ta buộc phải sống chung với dịch.
Theo nhiều chuyên gia, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã trải qua giai đoạn tăm tối nhất, tồi tệ nhất, nên khó có thể “tụt mood” thêm, thay vào đó, cùng với sự dồn nén về kênh đầu tư và khả năng hồi phục mạnh mẽ về du lịch, phân khúc này có cơ hội bật tăng mạnh mẽ trở lại.
Là doanh nghiệp có nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ câu chuyện pháp lý cho các dự án condotel, cũng như tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, giai đoạn khó khăn nhất mà FLC phải đối mặt đã qua. Bất động sản nói chung và phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển đột phá sau thời gian dài bị kìm nén.
Chia sẻ thêm về quan điểm phát triển các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, ông Quyết cho biết, hướng đi của FLC là tìm đến các thị trường vùng xa, các thị trường mới để phát triển các dự án quy mô, từ đó tạo nên sự thay đổi nhiều mặt, kích thích sự phát triển cho cả một vùng đất mà dự án của doanh nghiệp giữ vai trò tạo lập.
Sau thành công tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), FLC hiện đang triển khai một dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô 2.000 ha tại Quảng Bình, khi hoàn thành, đây sẽ là dự án nghỉ dưỡng vào loại lớn nhất miền Trung.
Dấu hiệu phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được thể hiện khá rõ, khi ngay trong giai đoạn dịch bệnh, các giao dịch vẫn được xúc tiến.
Ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nở rộ tại Phú Quốc trong khoảng 5 năm trở lại, với nhiều dự án quy mô lớn được đầu tư bởi các tập đoàn trong và ngoài nước.
Ngay trong quý III/2021, tại Phú Quốc có hơn 1.000 sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chào bán ra thị trường với giá shophouse từ 4,5 - 9,6 tỷ đồng/căn, Villa từ 23 tỷ đồng/căn, nhưng vẫn được các nhà đầu tư âm thầm đặt mua.
Theo ông Thủy, việc Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế, hứa hẹn mang tới luồng gió mới mát lành cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở đây.
Ở những thị trường khác như Hòa Bình, Cam Ranh (Khánh Hòa), ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho hay, suốt thời gian qua vẫn có những doanh nghiệp âm thầm tạo lập quỹ đất để triển khai dự án nghỉ dưỡng. Giao dịch ở phân khúc này cũng rất sôi động, chứ không trầm lắng như nhiều người nghĩ.
“Chỉ trong tháng 2/2021, chúng tôi đã bán được gần 100 sản phẩm của dự án Legacy Hill (Hòa Bình), hay với một dự án nghỉ dưỡng ở Cam Ranh, kể cả giai đoạn dịch bệnh vẫn có hàng trăm sản phẩm được giao dịch. Doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thích nghi và sẵn sàng sống chung với Covid-19, do đó hoạt động đầu tư vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các dự án sở hữu lâu dài”, ông Nga nói.