Từ năm 2012 đến nay, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), tỷ lệ báo cáo tài chính (BCTC) của DN niêm yết khi công bố thông tin ra công chúng có ý kiến kiểm toán từ lưu ý, đến ngoại trừ, từ chối có ý kiến… đã giảm dần từ 24% xuống còn 12,9%. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2016, có nhiều vụ việc đình đám liên quan đến báo cáo tài chính lại bùng lên, một lần nữa nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc kiểm định thông tin, nhất là thông qua báo cáo kiểm toán.
Yêu cầu bức thiết từ nhà đầu tư
DN niêm yết được nhìn nhận là loại hình công ty tiên tiến nhất trong nền kinh tế, bởi đối tượng này phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường chứng khoán về yêu cầu minh bạch, công khai thông tin. Nhu cầu tìm hiểu rõ thông tin thông qua các BCTC của DN niêm yết đối với nhà đầu tư, cơ quan quản lý là rất lớn.
Những vụ việc liên tiếp xảy ra gần đây liên quan đến BCTC của DN đã buộc nhà đầu tư phải chú tâm và soi xét kỹ hơn nữa chất lượng BCTC đã được kiểm toán. Thay vì chỉ quan tâm tới những con số cơ bản như doanh thu, lợi nhuận, cổ tức…, hiện tại, nhà đầu tư đã dần chú ý và có nhu cầu về thông tin sâu hơn, yêu cầu giải trình rõ hơn về hoạt động công ty thông qua các con số, chỉ tiêu khác như hàng tồn kho, khoản phải thu, các chi phí… Đồng thời, đối với các ý kiến kiểm toán, nhà đầu tư cần các thông tin rõ ràng hơn, không chỉ dừng ở mức lưu ý.
Tại buổi hội thảo “Tương lai ngành kiểm toán” do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh tại Việt Nam (ACCA Việt Nam) phối hợp cùng Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức gần đây, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE nhận định, nhà đầu tư khi đọc BCTC đã được kiểm toán thường quan tâm nhiều đến các lưu ý của kiểm toán viên để sớm nhận ra những bất ổn nếu có về tình hình của DN; ban giám đốc công ty liệu có thực hiện đầy đủ trách nhiệm; các vấn đề gì chưa tuân thủ và ở mức độ nào; nếu tuân thủ đúng thì ảnh hưởng như thế nào tới tình hình tài chính của công ty… Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường như HOSE quan tâm tới chất lượng kiểm toán có đồng đều hay không.
Là cơ quan thường xuyên đọc báo cáo kiểm toán được nhiều công ty kiểm toán trong nước xác nhận cho DN niêm yết, bà Đào nhận định, các công ty kiểm toán đưa ra các lưu ý, nhận xét vẫn chưa thực sự đồng đều, rõ ràng.
“Có những công ty đưa ra các lưu ý thì Sở không cần gửi văn bản để hỏi lại, nhưng có những DN mà Sở phải gửi văn bản yêu cầu giải trình tới vài lần mà vẫn chưa nhận được giải trình rõ vì sao bị ngoại trừ, công ty thực hiện chưa đúng theo các quy định nào hoặc theo chuẩn mực nào”, bà Đào nói.
Những ý kiến kiểm toán và giải trình của các DN sẽ là cơ sở để HOSE đưa ra các quyết định cảnh báo sớm như cảnh báo, đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát hay hủy niêm yết bắt buộc…, từ đó bảo vệ được nhà đầu tư sớm hơn. Tuy nhiên, chính vì sự chưa rõ ràng, chi tiết ở một số báo cáo kiểm toán mà HOSE chưa thể đưa những cảnh báo sớm tại một số DN, bà Đào chia sẻ. Theo đó, mong muốn lớn nhất của người sử dụng báo cáo vẫn là chất lượng của công ty kiểm toán, đặc biệt các ý kiến của kiểm toán viên đối với BCTC doanh nghiệp càng rõ ràng, càng chi tiết càng tốt.
Ông Trần Khánh Lâm, Tổng thư ký VACPA đồng quan điểm và cho rằng, báo cáo kiểm toán chưa có chất lượng đồng đều là do trình độ chuyên môn, năng lực chưa đều nhau, nhất là ở nhóm công ty kiểm toán vừa và nhỏ. Ngoài ra, những đơn vị vừa và nhỏ chưa có điều kiện về tài chính để phát triển các phần mềm, ứng dụng tin học trong kiểm toán, do đó không bắt kịp xu hướng áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm toán. Theo đó, VACPA đang phối hợp với Bộ Tài chính, các Sở GDCK để thực hiện công việc thường lệ là kiểm tra chất lượng, thực hiện các cuộc kiểm tra độc lập chất lượng các công ty kiểm toán nếu các công ty kiểm toán vừa và nhỏ có nhu cầu. Đồng thời, VACPA cũng đang có kế hoạch hỗ trợ phần mềm cho các công ty kiểm toán này.
Ông Andrew Gambler, Giám đốc kiểm toán ACCA toàn cầu đánh giá, quy trình kiểm toán truyền thống (chủ yếu theo phương pháp lấy mẫu) không thu nạp hết thông tin của DN. Do vậy, các kiểm toán viên thường lấy mẫu ở những lĩnh vực họ cảm thấy nghi ngờ, rủi ro nhất. Tuy nhiên, công nghệ thông tin sẽ thay đổi ngành kiểm toán, giúp kiểm toán viên có thể nhìn thấy 100% dữ liệu tài chính của công ty, nhờ vậy có những kiểm toán viên đã có cách phân tích dữ liệu rất chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư mong muốn có được những thông tin đánh giá về rủi ro tốt hơn, hoặc tối đa lợi nhuận. Điều này đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng kiểm toán và bản thân các kiểm toán viên phải tự mình thay đổi.
Đó là đối với các nhà đầu tư trong nước, còn với nhà đầu tư nước ngoài, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại Việt Nam vẫn chưa áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, đây là rào cản cho sự phát triển nói chung của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tuy xác định được đối tượng áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế là DN niêm yết, nhưng việc áp dụng vẫn gặp một số khó khăn. Theo đó, thứ nhất là khác biệt về ngôn ngữ; thứ hai là thiếu nguồn thông tin sẵn có để đảm bảo những giá trị được xác định theo giá trị hợp lý, theo giá trị thị trường là đáng tin cậy. Và thứ ba là đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ kế toán ở doanh nghiệp nói chung.
Tự nâng cao tiêu chuẩn kiểm toán
Hiện nay đã có 116 quốc gia tuyên bố áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS, việc Việt Nam vẫn chưa áp dụng chung chuẩn IFRS sẽ là vấn đề gây trở ngại cho các nhà đầu tư có dự định đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, Bộ Tài chính đang rất nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thiện các chuẩn mực BCTC theo tiêu chuẩn này để sớm được ban hành và áp dụng. Trên thực tế, khi tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài để tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại các DN niêm yết trên HOSE, bà Đào cho biết, điều đầu tiên họ quan tâm vẫn là khi nào DN niêm yết sẽ áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS; liệu các công ty kiểm toán của Việt Nam thực hiện việc xác nhận cho các DN niêm yết đã thực hiện được theo chuẩn IFRS; các quy định về kế toán, kiểm toán có kịp chuyển đổi để áp dụng IFRS hay không.
Quay trở lại những vụ việc vừa qua, bà Nhung cho rằng, các quy định pháp luật vẫn chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của kiểm toán viên và trách nhiệm của giám đốc công ty. Trong Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ trách nhiệm về BCTC của ban quản lý DN, do vậy, nếu có sai sót, trước tiên DN phải chịu trách nhiệm. Nếu có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán thì DN niêm yết phải giải trình trước, cùng với đơn vị kiểm toán. Thông qua các tài liệu nghiên cứu thì nhiều trường hợp kiểm toán không phát hiện được dẫn đến đưa những ý kiến không phù hợp và liên đới chịu trách nhiệm. Đây là do non kém về mặt nghiệp vụ hoặc có những “ẩn giấu” từ phía DN. Tuy nhiên, trong chuẩn mực kế toán cũng nêu rõ, trách nhiệm của kiểm toán viên không phải là phát hiện, tìm kiếm gian lận, nhưng trong quá trình kiểm toán thấy dấu hiệu gian lận thì phải xử lý, báo cáo. Tại Việt Nam, một số kiểm toán viên đã bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách kiểm toán, nhưng điều mà thị trường đòi hỏi là sự kỷ luật, bồi thường, trách nhiệm và ít nhất phải được xử lý về mặt hình sự.
Bà Nhung chia sẻ thêm, hiện Vụ Chế độ Kế toán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang điều tra một số vụ việc, kết quả ban đầu là có những báo cáo kiểm toán không đạt yêu cầu chất lượng, kiểm toán viên bị đình chỉ và đang chờ tổng hợp để đưa kết luận cuối cùng. Nếu chứng minh được kiểm toán viên có thông đồng với khách hàng để làm báo cáo gian dối thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo bà Nhung, về quản lý thông thường thì sẽ xử lý vi phạm hành chính, mức tiền phạt so với hậu quả gây ra không tương xứng, cao nhất chỉ 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hậu quả là đình chỉ hoạt động của cả công ty.
“Sắp tới đây, thị trường có thể sẽ chứng kiến vài công ty phải rời khỏi danh sách kiểm toán niêm yết”, bà Nhung nói.
Trước yêu cầu về chất lượng kiểm toán, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, nếu ngành nghề kiểm toán được các nước thành viên thông qua việc công nhận lẫn nhau, tức là những nước có thế mạnh về đội ngũ kế toán, kiểm toán như Singapore hoàn toàn có thể xuất khẩu kế toán, CFO sang Việt Nam, sẽ tạo áp lực rất lớn với các DN kiểm toán trong nước. Do vậy, các DN kiểm toán trong nước cần sớm chuẩn bị nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, mở rộng hoạt động và đầu tư có chiều sâu hơn về công nghệ thông tin mới có thể cạnh tranh. Ngoài ra, các diễn giả cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng kiểm toán cần có sự vào cuộc của các trường đại học trong việc thay đổi giáo trình, chú trọng nâng cao năng lực của sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.