Nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu bất động sản phiên chiều ngày 1/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối cùng thì điều gì đến cũng phải đến, khi đà tăng nóng của thị trường nói chung và nhóm bất động sản nói riêng thời gian qua đã chững lại khi lực bán chốt lời đã ập đến. Dù vậy, phiên giảm điểm có lẽ là cần thiết để có thể giúp các chỉ báo kỹ thuật trở lại trạng thái ổn định, cũng như thu hút dòng tiền mới tham gia, chuẩn bị cho xu hướng mới tích cực hơn.
Nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu bất động sản phiên chiều ngày 1/8

Sau phiên sáng tăng mạnh hơn 10 điểm, thị trường hạ nhiệt ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều về gần 1.225 điểm, nhưng với sức mạnh từ các bluechip vẫn giúp VN-Index đứng vững và bật trở lại vùng trên 1.230 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời đột ngột tăng mạnh khiến bảng điện tử đổi sắc với hơn 300 mã giảm, trong đó, nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ lao dốc, trong khi các bluechip cũng theo nhịp giảm này đi xuống và VN-Index lao nhanh về dưới tham chiếu.

Dù vậy, cũng chỉ mới chớm đỏ, lực cầu đã tích cực trở lại và nhà đầu tư tạm dừng việc bán giá thấp đã thúc đẩy VN-Index thêm một lần trồi lên tham chiếu, trước khi đảo chiều giảm trong phiên ATC do một số mã lớn nới đà giảm. Đáng chú ý là thanh khoản tiếp tục bùng nổ với hơn 1 tỷ USD giá trị chỉ tính riêng trên HOSE.

Đóng cửa, sàn HOSE có 156 mã tăng và 310 mã giảm, VN-Index giảm 5,34 điểm (-0,44%), xuống 1.217,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,28 tỷ cổ phiếu, trị giá 26.404,2 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và gần 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 74,2 triệu đơn vị, giá trị 1.492,8 tỷ đồng.

Thị trường có lẽ sẽ còn giảm mạnh hơn nếu như không có trụ đỡ cứng là VIC, khi mã này đứng vững ở giá trần +6,9% lên 58.900 đồng, khớp lệnh đạt hơn 12,2 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị. Phiên này, VIC đã “gồng” 4 điểm tích cực cho VN-Index.

Tiếp theo là BID, dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn là mã góp thêm gần 1,5 điểm cho VN-Index khi kết phiên tăng 2,1% lên 48.200 đồng, khớp hơn 3,8 triệu đơn vị.

Những bluechip còn tăng khác chỉ còn có SAB nhích nhẹ, và các mã TPB +0,3% và CTG +1,2%.

Ở chiều ngược lại, NVL bị chốt lời mạnh, -5,6% xuống 17.800 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường khi có 53,1 triệu đơn vị, PDR -3,9% xuống 20.850 đồng, MWG -3,7% xuống 51.700 đồng, SSI -2,9% xuống 28.800 đồng, VNM -2,6% xuống 76.000 đồng, BCM -2,5% xuống 79.000 đồng, HPG -2,5% xuống 27.500 đồng đồng. Các mã MSN, VJC, VPB, TCB, GAS, PLX, GVR, VRE, BVH giảm từ 0,7% đến gần 2%

Đáng chú ý là VHM, khi cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường mất đà, từ mức cao nhất trong phiên tăng hơn 5% đã lùi về dưới tham chiếu, giảm 0,3% xuống 62.800 đồng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ một vài cổ phiếu ngược dòng thị trường với những cái tên đáng kể là VCG, PHC, AGM và MHC khi đều đóng cửa ở giá trần, trong đó, VCG khớp được hơn 20,3 triệu đơn vị.

Tăng khá khác không còn nhiều, với TV2 +5,6% lên 37.600 đồng, SJS +4,1% lên 61.700 đồng, ELC +3,9% lên 17.200 đồng, DGC +3,3% lên 74.400 đồng, DPR +3,1% lên 63.400 đồng…

Trái lại, nhóm bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ bị chốt lời rất mạnh, với CTD, EVG, HPX, TDG đều giảm về giá sàn, LGC giảm về sát giá sàn, các mã TCD -5,9% xuống 9.100 đồng, HBC -5,6% xuống 10.100 đồng, TDC -5,5% xuống 14.650 đồng, DLG -5,3% xuống 3.200 đồng, IBC -5,3% xuống 2.140 đồng, FIT, TDH, TGG, BCG, DXG giảm hơn 5%.

Đáng chú ý là thông tin mới nhất do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cung cấp đã cho thấy danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, liên danh trúng thầu là Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Liên danh Vietur còn có sự tham gia của một số nhà thầu trong nước như Ricons, Newtecons, Sol E&C.

Nhóm cổ phiếu của các nhà thầu khác cũng trong liên danh này trên thị trường chứng khoán có VCG, PHC giao dịch tại HOSE và CC1, HAN giao dịch trên UPCoM, đồng loạt tăng trần.

Các cổ phiếu QCG, IDJ, HQC, CRE, TCH, SAM, VPH, CKG, DRH, NHA, DIG, KDH, DXS, TNT, TLD, ITC, HHS, NLG, HAR giảm từ 3,5% đến gần 5%.

Những cổ phiếu giảm mạnh khác còn ở các nhóm thép, nguyên vật liệu, công ty chứng khoán, như NKG, HSG, SMC, VND, VDS, APG, AAA, HHP, QBS…đều giảm trên dưới 4%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có hai nhịp giằng co và đảo chiều xuống dưới tham chiếu khi sức ép ở nhóm cổ phiếu lớn gia tăng, nhưng dòng tiền đầu cơ cũng đã giúp chỉ số không giảm sâu.

Đóng cửa, sàn HNX có 72 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 239,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 147,1 triệu đơn vị, giá trị 2.610 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị 59,2 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như HUT, DDG và APS khi đều đóng cửa ở mức giá trần, trong đó, HUT khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 11,67 triệu đơn vị.

Tăng điểm khác còn có API +7,6% lên 7.100 đồng, IDJ +6,3% lên 6.700 đồng, IDC +5,8% lên 47.800 đồng, hai mã AMV và BCC nhích hơn 2%.

Các cổ phiếu giảm điểm có AAV giảm sàn -9,7% xuống 6.500 đồng, khớp 2,63 triệu đơn vị, các mã LIG, EVS, TIG, TAR, MBG, MBS, CEO, SHS giảm trên dưới 4%, trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 17 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, sức ép có gia tăng đôi chút nhưng UpCoM-Index vẫn trụ vững trên tham chiếu khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,86 điểm (+0,96%), lên 90,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77,86 triệu đơn vị, giá trị 1.065 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 82,9 triệu đơn vị, giá trị 2.307 tỷ đồng. Đáng kể là hơn 58,72 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương trị giá 862 tỷ đồng và 1,73 triệu cổ phiếu của VNZ tại giá sàn, trị giá hơn 1.105 tỷ đồng.

Bảng điện tử khá nhiều mã đảo chiều giảm, nhưng đa phần chỉ mất từ 2% đến hơn 3% như OIL, DDV, PAS, VHG, DGT, LMH, trong khi C4G, SBS, QNS, VGT chỉ giảm nhẹ.

Hai cổ phiếu thanh khoản cao nhất là BSR và ABB với 14 triệu và 8,72 triệu đơn vị đều tăng, với BSR +1,3% lên 19.400 đồng, ABB +2,3% lên 9.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2308 giảm tới 14,2 điểm, tương đương -1,15% xuống 1.220 điểm, khớp lệnh hơn 169.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 60.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này khá nhiều mã có thanh khoản tốt, nhưng phần lớn chỉ biến động nhẹ, như CSTB2307 khớp 2,78 triệu đơn vị chỉ có giá tham chiếu 460 đồng/cq, CMBB2215 khớp 2,31 triệu đơn vị và nhích 0,8% lên 2.570 đồng/cq/

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ