Nhà của vợ chồng trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới ngày nào Hải còn thân lập thân, bỡ ngỡ hỏi đường sá đi làm tại Sài Gòn, vậy mà giờ đây cậu đã có căn hộ nhỏ, có tổ ấm quây quần cùng vợ và cô con gái.
Nhà của vợ chồng trẻ

1. Sáu năm trước, tôi nói với Hải mua căn hộ trả góp tại quận 2 (TP.HCM) đi, được mua với giá rẻ do chỉ phải trả lãi suất ưu đãi của gói kích cầu 30.000 tỷ đồng thôi. Ban đầu cậu ngần ngừ, em chỉ có chút tiền, em sợ nợ nần lắm chị à. Lương của Hải thời điểm đó 15 triệu đồng, mỗi tháng trả cả vốn và lãi 5 triệu đồng cho ngân hàng, cậu cứ tính tới lui mãi. Nhưng cuối cùng, nhờ có tôi thúc giục, Hải cũng mua căn hộ trong sự dè dặt.

Hai năm sau, dự án được bàn giao, Hải cho thuê 5 triệu đồng/tháng. Vậy là đủ tiền đóng cho ngân hàng. Năm sau nữa, giá cho thuê tăng lên 6 triệu đồng/tháng, coi như có lời chút để uống cà phê. Thời điểm ấy, căn hộ 58 m2 của Hải giá chỉ có 800 triệu đồng. Hiện giờ, thì đã tăng gấp đôi, còn số tiền đóng cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng thì đã ít đi so với ban đầu.

Đi được một bước thuận lợi, đã có kinh nghiệm nên Hải sau đó lại góp tiền để mua được căn hộ giá rẻ gần chỗ làm. Bà xã sinh cô con gái, cả gia đình trẻ chuyển về nhà mới. Hải nói, cảm giác được sống trong căn nhà của chính mình kỳ diệu lắm. Sau hơn 10 năm lập nghiệp ở Sài Gòn, từ cậu thanh niên lơ ngơ chưa rành rẽ đường xá, đến giờ Hải đã tự tin hơn để vui sống cùng tổ ấm của mình.

Hải là một người may mắn, tất nhiên là vậy rồi. Nhưng cậu cũng là người nắm bắt được cơ hội tới với mình. Tôi biết, có nhiều thanh niên làm trong các công ty nước ngoài, thời điểm Hải mua căn hộ quận 2, thừa sức mua và trả nợ ngân hàng. Nhưng họ lại không thèm dòm tới căn hộ mà theo họ, xa và đầy xe container đến vậy. Nghe nói việc mở rộng đường xá, đã có vài bạn được tiếp cận thông tin, đều bĩu môi. Các bạn ấy nghi ngờ chẳng biết khi nào đường được mở, cầu vượt được làm. Họ cho rằng, việc mua căn hộ ở chỗ “hóc bò tó” ấy chả khác gì bỏ tiền vào một nơi không có tương lai.

Vậy nên, trong số các bạn trẻ mới lập nghiệp, đâu có dễ ai cũng có nhà theo cách mà Hải đã làm.

2. Tôi mới chat với anh bạn cùng trường phổ thông, hiện đang sống tại Ba Lan. Vừa rời khỏi trường phổ thông, anh đi du học sang Nga, rồi qua Ba Lan học hành, làm việc và cưới vợ. Anh rất ngạc nhiên và không lý giải được lý do vì sao giá nhà đất tại Việt Nam lại mắc mỏ thế so với thu nhập bình quân của người lao động. Nhưng anh lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy bạn bè sống trong nước ai cũng đều có 1-2 căn hộ, rồi còn thêm đất vườn, đất đồi. Rồi ai cũng mua xe hơi chạy vi vút.

Anh hỏi tôi, bạn bè mình lấy tiền ở đâu ra để mua vậy em? Và để anh dễ hình dung, tôi kể cho anh nghe câu chuyện của cậu em tên Hải mà phía trên tôi vừa viết. Hải hoàn toàn sống khỏe bằng nghề điều dưỡng phòng mổ trong một bệnh viện tư. Ở vị trí của cậu thì chẳng biết tới các từ tham nhũng hay hối lộ gì cả. Mà giờ rõ ràng là vợ chồng Hải đang có 2 căn hộ, một cho thuê, một đang ở. Cả hai đều vẫn được trả góp cho ngân hàng với lãi suất rất vừa phải, theo cách tính của Việt Nam.

Ông bà mình có câu nói hay lắm: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Trong Sài Gòn thì câu cửa miệng của người lao động là, có nhiêu xài nhiêu. Người có nhiều tiền thì ăn một bữa lên tới cả triệu đồng, nhưng người ít tiền thì chỉ dĩa cơm tấm 30.000 đồng thôi cũng đủ no tới bữa kế tiếp không phải suy tính gì. Cuộc đời hào phóng với bất cứ ai, nếu biết chú tâm, chăm chỉ làm việc, tích cóp và đừng để cơ hội rời khỏi tay.

Tôi không có ý định viết bài để “xúi” ai cũng vay ngân hàng mua căn hộ. Việc đó phụ thuộc vào từng hoàn cảnh rất cá nhân, không ai có thể giống ai. Vì sao chiếc nồi này phải úp chiếc vung này thì mới vừa vặn? Vì sao bạn yêu người này mà không phải người khác? Đó chính là sự vận hành có lý của cuộc sống. Đôi khi chúng ta không cần giải thích quá cặn kẽ chi tiết.

Tất cả những gì cụ thể hóa giống như quy ra con số, tận tường chân tơ kẽ tóc, chỉ phù hợp với nghề kế toán - tài chính. Còn bài toán cuộc đời thì lạ lắm. Nhiều khi ngồi cộng thì lại thành trừ, mà đứng trừ thì lại thành cộng. Và bạn có tin hay không, thì đời cũng không cần thuyết phục. Cứ ngã là biết đau. Cứ sống là biết khôn. Vậy thôi!

Đầu năm, bên tách trà hoặc ly cà phê, chuyện rôm rả nhất vẫn là câu chuyện về tình yêu. Và chuyện háo hức nhất vẫn là câu chuyện về người trúng vé số. Tất cả những gì đẹp và tiện nghi nhất, chính là khát vọng của bất cứ ai. Hãy bắt đầu, bằng căn hộ nhỏ, của cặp vợ chồng trẻ…

Nhà thơ Đinh Thu Hiền ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục