Đề xuất rút ngắn hợp đồng bảo hiểm xuống 10-20 trang…
Tại tọa đàm “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ” tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn hơn, từ 10-20 trang là phù hợp để người bình thường có thể đọc hiểu, thay vì dài cả trăm trang giấy như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam cho biết, số trang bộ hợp đồng bảo hiểm hiện không quá dài, chẳng hạn bộ hợp đồng bảo hiểm của Aviva (nay là MVI Life) là 19 trang; AIA, Prudential và Manulife 25 trang; Generali 37 trang, FWD 44 trang, Bảo Việt Nhân thọ 51 trang, Chubb Life 61 trang…
“Bộ điều khoản hợp đồng bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê duyệt chi tiết, khách hàng chỉ cần nắm bắt những điểm chính yếu như phạm vi bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, thời hạn đóng phí, trường hợp nào sẽ được và không được chi trả…”, ông Thắng chia sẻ thêm.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2022, có khoảng 14,3 triệu hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực (hợp đồng chính), tăng 5,6% so với năm 2021. Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này cho biết, sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023), việc hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng tăng tính minh bạch về sản phẩm (từ phía doanh nghiệp bảo hiểm) và đối tượng được bảo hiểm (từ phía bên mua bảo hiểm) sẽ giúp giảm tranh chấp có thể phát sinh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, an toàn.
Thực tế là dù dài hay ngắn, nhưng có một điều không thể phủ nhận là nhiều nội dung trong hợp đồng bảo hiểm còn phức tạp, khó hiểu, trong khi đa phần người tham gia bảo hiểm là vì cả nể, cả tin do bên bán là người thân quen nên khó tránh khỏi lơ là việc đọc hợp đồng.
“Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng tôi cho rằng, tại Việt Nam, có tới hơn 90% khách hàng mua bảo hiểm thông qua bạn bè, người thân và bản thân tôi cũng từng như vậy. Rất ít người tự đi tìm hiểu và mua bảo hiểm cho mình. Song, cũng vì quen thân mà ‘cái tình át cái lý’, cộng thêm việc hợp đồng bảo hiểm có nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, doanh nghiệp bảo hiểm lơ là giám sát đội ngũ tư vấn viên, cơ quan quản lý nhà nước chưa quản chặt, hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện... nên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều lùm xùm”, PGS-TS. Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris nói.
Ngoài những khúc mắc do bên bán bảo hiểm, một phần nguyên nhân xảy ra tranh chấp còn xuất phát từ bên mua khi tính tuân thủ trong tham gia hợp đồng bảo hiểm chưa cao. Theo TS. Cấn Văn Lực, dù hợp đồng bảo hiểm có dài và khó hiểu thì khách hàng cần phải đọc những chương, mục quan trọng, nhất là liên quan đến mức độ bồi thường, thời gian tham gia bảo hiểm…
Cùng góc nhìn, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành Công ty Financial Insurance Services Vietnam cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở bên mua, không nên tiếp tục thờ ơ với các cam kết đã ký. Ngoài chỉnh sửa hợp đồng theo hướng bảo vệ mình tốt hơn, khách hàng cũng cần tự tăng cường việc đọc, tìm hiểu, cần tự trả lời cho câu hỏi mua bảo hiểm vì mục đích gì, vì phòng ngừa rủi ro hay tích lũy cho con cái sau này, hay đầu tư sinh lợi.
“Bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng muốn khách hàng đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký. Trong quan hệ hợp đồng, các bên đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì thế, khi giao kết hợp đồng cần đọc kỹ các điều khoản, điều kiện bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm nhận thấy các nội dung, điều khoản không rõ ràng thì đề nghị bên bán giải thích để hiểu rõ hơn. Hiện nay, trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua có quyền được tham gia ý kiến, được quyền đề nghị sửa đổi/bổ sung các điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Trong một số trường hợp, bên mua bảo hiểm còn có thể yêu cầu công ty bảo hiểm phải chấp nhận dự thảo mẫu hợp đồng bảo hiểm theo ý khách hàng”, bà Thanh cho hay.
Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành, để bảo vệ người dân, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định, trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua, nên dù hợp đồng có dài và phức tạp thì cũng không quá đáng ngại.
… và tiếp tục “làm mới”
Dù dài hay ngắn, nhưng có một điều không thể phủ nhận là nhiều nội dung trong hợp đồng bảo hiểm còn phức tạp, khó hiểu…
Theo bà Thân Hiền Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), Chủ tịch Bảo Việt Nhân thọ, dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm chuẩn bị được ban hành có nhiều yêu cầu để hướng các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao tính minh bạch, rõ ràng của các tài liệu gửi khách hàng, cũng như hình thành cơ chế kiểm soát chặt chẽ các thông tin tư vấn cho khách hàng nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các người tham gia bảo hiểm, tránh tình trạng như nhiều bài báo đưa tin gần đây, đó là một số đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu tại các tài liệu tư vấn, dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn hoặc có kỳ vọng không thực tế về quyền lợi sản phẩm. Do vậy, việc xây dựng một “phiên bản hợp đồng rút gọn” cũng đang được Bảo Việt Nhân thọ nghiên cứu thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
“Trong thời gian tới, Bảo Việt Nhân Thọ dự kiến thiết kế ‘Tài liệu tóm tắt về các điều khoản bảo hiểm và các điểm cần lưu ý trong quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm’ để giúp khách hàng nắm rõ hơn những điểm nổi bật của sản phẩm, cũng như các vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi của mình, song song với đó là điều chỉnh lại các tài liệu thuộc bộ hợp đồng theo hướng ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu”, bà Hiền Anh thông tin.
Trên thực tế, có công ty bảo hiểm đã chỉnh sửa lại bộ hợp đồng bảo hiểm theo hướng sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu và rút ngắn nhất khi có thể.
“Ngay lúc này mà rút ngắn bộ hợp đồng xuống còn một nửa so với hiện tại như đề xuất của một số chuyên gia thì chưa làm được, nhưng rút ngắn một phần thì công ty tôi đã làm từ mấy năm trước và sẽ tiếp tục chỉnh sửa nếu cần. Ở các thị trường bảo hiểm phát triển cũng vậy, hợp đồng bảo hiểm cũng dài và dùng nhiều thuật ngữ chuyên môn. Với lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm, trong hợp đồng mà dùng từ dân dã quá thì dễ bị hiểu theo nhiều hướng nên rất rủi ro. Tuy nhiên, nếu có những ngôn từ trong hợp đồng dễ bị gây hiểm lầm thì công ty bảo hiểm cũng nên làm một bản tóm tắt để khách hàng dễ nhận biết và nắm bắt. Bản tóm tắt này chúng tôi cũng đã làm 2 năm nay rồi”, CEO một công ty bảo hiểm cho hay.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng muốn giảm số trang trong hợp đồng bảo hiểm, chí ít là để tiết kiệm được chi phí in ấn cũng như dung lượng lưu trữ hợp đồng ngoài mục tiêu tạo thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khía cạnh pháp lý, giải quyết khiếu nại, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc chỉnh sửa là không dễ và cần tính đến các yếu tố khác bởi còn liên quan đến câu chuyện viện dẫn để xử lý tranh chấp hoặc giải quyết quyền lợi bảo hiểm có thể bị vướng.