Niềm tin lung lay
Sự cố này khiến nhiều người đang sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trở nên bất an. Chị Nguyễn Thu Hằng - một khách hàng khác của MVI Life kể, ngày 10/4/2023, chị đã chủ động tìm đến trụ sở Công ty để tìm hiểu về hợp đồng bảo hiểm đã ký trước đó thì được nhân viên tư vấn giải thích một số nội dung trong hợp đồng, nhưng các thông tin về số tiền cụ thể nhận về, có chắc chắn nhận được tiền không, đã có trường hợp nào đáo hạn chưa... lại chưa rõ ràng vì sản phẩm AVIVA Chọn an vui của MVI Life mới bán được 4 năm, chưa có ai đáo hạn hoặc chỉ giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm.
“Giờ tôi mới biết, đối với sản phẩm bảo hiểm đầu tư, bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm không phải là con số chắc chắn, mà phụ thuộc vào lãi suất công bố của công ty bảo hiểm. Lúc đầu, nhân viên tư vấn cũ không hề đề cập tới phần cam kết chắc chắn đó, mà chỉ nói về mức lãi suất 7%/năm nên số tiền nhận về lớn hơn tiền đóng. Nhân viên tư vấn nửa vời, trong khi mình cả tin, không tìm hiểu hết. Mua bảo hiểm tưởng an tâm, ai ngờ giờ nơm nớp lo sợ”, chị Hằng bộc bạch.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2022, toàn thị trường có khoảng 14,3 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn hiệu lực (hợp đồng chính), tăng 5,6% so với năm 2021.
Trên thực tế, nhiều điều khoản, thuật ngữ trong hợp đồng bảo hiểm được cho là khó hiểu, thậm chí ngay cả tư vấn viên, chuyên gia luật còn chưa hiểu hết, huống chi người mua bảo hiểm. Chưa kể, các điều khoản quan trọng nhất thường không tập trung, mà nằm rải rác ở các khoản mục trong hợp đồng dài vài chục trang giấy khiến người mua khó nắm bắt.
Các thành viên của TC Advisors (TCA) - đại lý bảo hiểm tổ chức đầu tiên mở các trung tâm hỗ trợ bồi thường bảo hiểm từ vài năm trước, nay có cơ hội tìm hiểu hợp đồng của nhiều công ty bảo hiểm để có thêm thông tin hỗ trợ khách hàng.
Đại lý bảo hiểm Trương Thị Tuyến đến từ TCA cho biết, các chuyên gia thăm khám từ cơ bản đến chuyên sâu, khai thác chi tiết các hợp đồng và nhận thấy có nhiều hợp đồng cần hiệu chỉnh, cập nhật thông tin để tránh gặp rắc rối sau này. Trong đó, có nhiều khách hàng bị công ty bảo hiểm từ chối, nhưng sau khi được TCA “thăm khám” hợp đồng thì được chi trả quyền lợi.
Phát hiện nhiều lỗi, đòi bồi thường giúp khách hàng
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vốn có nhiều thuật ngữ phức tạp, nếu không phải là người có chuyên môn về bảo hiểm hoặc được hướng dẫn tỉ mỉ thì rất khó để nắm bắt…
Theo các đại lý, đa số khách hàng mua bảo hiểm là người quen và tin tưởng tư vấn viên nên chủ quan không đọc hợp đồng mà vẫn ký. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vốn có nhiều thuật ngữ phức tạp, nếu không phải là người có chuyên môn về bảo hiểm hoặc được hướng dẫn thì rất khó để nắm bắt. Chính vì vậy, việc mở ra các trung tâm hỗ trợ bồi thường hay các dịch vụ hỗ trợ đơn lẻ là rất đáng quý, giúp người mua bảo hiểm có thể hiểu rõ hợp đồng của mình hơn.
Ông Lê Hoàng Hải, CEO TCA cho biết, hàng ngày, các trung tâm hỗ trợ bồi thường của TCA tiếp nhận nhiều hợp đồng từ khách hàng của các công ty bảo hiểm gửi tới và sau khi thăm khám, khách hàng hiểu ra đâu là quyền lợi, đâu là nghĩa vụ, các con số trên hợp đồng là như thế nào, thiếu gì bổ sung đó, sai gì chỉnh sửa trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra..., từ đó an tâm tiếp tục duy trì hợp đồng.
Thậm chí do có quá nhiều hợp đồng bảo hiểm được gửi tới nhờ rà soát, đại lý bảo hiểm Nguyễn Vị phải tạm thời dừng nhận hỗ trợ vì quá tải.
“Sau khi gọi điện, nhắn tin cho người nhà, bạn bè thân thiết có hợp đồng cần kiểm tra, phát hiện ra nhiều lỗi quá nên thời gian này tôi tập trung hỗ trợ những hợp đồng còn tồn đọng, đầu tuần tới mới quay lại hỗ trợ các hợp đồng mới”, đại lý này nói và chia sẻ thêm: “Có người mời đến nhà, có người chủ động mang hợp đồng qua, thăm khám xong khách còn bảo trả tiền công nhưng tôi không nhận với mong muốn tất cả khách hàng đã tham gia bảo hiểm đều không bị thiệt thòi”.
Đại lý Phương Lam kể, sau khi được rà soát lại hợp đồng bảo hiểm, nhiều người được hỗ trợ pháp lý khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và lấy được tiền đền bù, có khách hàng còn được bù thêm cả trăm triệu đồng, cho dù đã bị từ chối trước đó. Chưa kể, có trường hợp khách hàng “mua chéo” (mua bảo hiểm cho người thân và ngược lại) muốn bổ sung sản phẩm bảo hiểm tai nạn cho vợ, nhưng khi người này mất hơn một năm mà công ty bảo hiểm vẫn thu phí (theo cam kết hợp đồng thì không phải đóng phí), song nhờ được hỗ trợ mà đòi lại phần phí này.
Thực tế, bên cạnh đại lý có tâm với nghề, cũng có không ít người tranh thủ “đục nước béo cò” xúi giục khách hàng bỏ hợp đồng bảo hiểm cũ để ký mới với lời hứa hẹn được nhiều quyền lợi hơn, điều này vừa vi phạm pháp luật về bảo hiểm, vừa có thể gây bất lợi cho khách hàng.
“Hơn bao giờ hết, đây là lúc chung tay đưa ngành vượt qua sóng gió. Hỗ trợ khách hàng lúc này là rất tốt, nhưng nếu lợi dụng để xúi giục khách hàng ký mới hợp đồng là phi đạo đức, bởi nếu khách hàng không may gặp rủi ro tai nạn, bệnh tật, thậm chí tử vong sẽ không được bồi thường vì lúc này chưa đủ ‘thời gian chờ’ theo quy định của hợp đồng mới, mà quay lại hợp đồng cũ cũng không được vì đã hủy”, đại lý Nguyễn Vị cho hay.
Đồng quan điểm, đại lý bảo hiểm Thanh Lê cho rằng, cần tẩy chay các hành vi lừa dối khách hàng trên mọi phương diện, chẳng hạn như dùng chiêu “nâng cấp hợp đồng”, lợi dụng sự cả tin, thiếu thông tin của khách hàng để ký mới hợp đồng, ứng tiền từ hợp đồng cũ sang…
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global - Vietnam cho biết, thực tế, bộ hợp đồng bảo hiểm không quá dài lên tới cả trăm trang như nhiều người vẫn nghĩ, mà phổ biến từ 20-60 trang tùy sản phẩm, chẳng hạn bộ hợp đồng của Aviva (nay là MVI Life) khoảng 19 trang; AIA, Manulife và Prudential khoảng 25 trang; Generali khoảng 37 trang; FWD khoảng 44 trang; Bảo Việt Nhân thọ khoảng 51 trang; Chubb Life khoảng 61 trang…
“Mặt khác, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp đều đã được Bộ Tài chính phê duyệt, khách hàng chỉ cần nắm bắt những điểm chính yếu trong hợp đồng như phạm vi bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, thời hạn đóng phí, trường hợp nào được và không được chi trả bảo hiểm (các điểm loại trừ bảo hiểm)…”, ông Thắng thông tin thêm.
Dư luận, giới quan sát và cả người trong cuộc đều cho rằng, để dẫn đến những lùm xùm trong bán bảo hiểm như thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự buông lỏng quản lý của chính doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý.
Quay trở lại câu chuyện của MVI Life, ngoài công văn gửi riêng cho nhà bảo hiểm này, cũng trong ngày 10/4/2023, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi tới các công ty bảo hiểm nhân thọ khác đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm; nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
“Khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động làm việc, giải quyết. Trường hợp khách hàng có phản ánh qua các kênh truyền thông báo chí về việc ký kết và thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn báo chí”, cơ quan này nêu rõ trong công văn.