Ngày 14/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Long (SN 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vina Megastar) mức án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hà Văn Thắm (SN 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank) mức án 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trước đó, do bị cáo Thắm đang thi hành án ở Bắc Giang và bị ốm nên xin xét xử vắng mặt. Cộng các bản án cũ, bị cáo Thắm phải chấp hành hình phạt chung là chung thân, bị cáo Long là 30 năm tù.
Tòa án xác định hợp đồng tín dụng bị vô hiệu do bị cáo Long gian dối dùng hồ sơ giả vay vốn và có sự tiếp tay của bị cáo Thắm nên không phát sinh lãi. Bị cáo Long phải hoàn trả nợ gốc 91 tỷ đồng cho Oceanbank.
Quá trình xét hỏi, bị cáo Long khai nhận, năm 2012, do cần tiền trả nợ các khoản vay đến hạn và sử dụng cá nhân, chi phí cho hoạt động doanh nghiệp, bị cáo đề nghị Oceanbak cấp hạn mức tín dụng cho Megastar 100 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm, Hà Nội) và số 254 Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Sau đó, để nâng hạn mức lên thành 250 tỷ đồng, Long thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân chính. Ngày 11/9/2012, Hà Văn Thắm ký Quyết nghị số 273 đồng ý cấp hạn mức cho Megastar số tiền 250 tỷ đồng.
Bị cáo Long thừa nhận đã chỉ đạo các giám đốc, kế toán trưởng, nhân viên thuộc các công ty con để lập hóa đơn/hợp đồng khống. Nhờ đó, Oceanbank đã giải ngân số tiền 224,3 tỷ đồng. Số tiền vay bị cáo sử dụng trả các khoản nợ trước đó và sử dụng cá nhân.
Đến trước khi khởi tố, bị cáo đã thanh toán số tiền 132,9 tỷ đồng; hiện còn chiếm đoạt của ngân hàng 91,4 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Long khai nhận trực tiếp trao đổi với ông Thắm về việc tái cấu trúc nợ cho công ty con. Các hợp đồng mua bán là khống.
Về dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, bị cáo khai UBND TP Hà Nội đã giao cho Megastar là chủ đầu tư để thực hiện xã hội hóa. Sau đó, bị cáo bị bắt ở vụ án khác nên Công ty ngừng hoạt động, không thể triển khai dự án. Năm 2014, Công ty nói với Oceanbank về việc chuyển giao tài sản này. Song khi đó, ngân hàng vướng lao lý nên dự án bị tạm dừng. Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã thu hồi và giao lại cho UBND quận Thanh Xuân quản lý.
Bị cáo thừa nhận dự án trên chưa có quyết định đầu tư, chưa có giấy giao đất, chưa có quyền sử dụng đất. Về mặt pháp lý thì không thể mang tài sản đi thế chấp, song bị cáo được “tạm giao” để giải phóng mặt bằng.
Cựu Chủ tịch Megastar lý giải, Công ty đã bỏ ra rất nhiều chi phí để đưa các đơn vị lấn chiếm ra, trả lại “mặt bằng sạch” cho thành phố. Công ty đã quây tôn, làm hàng rào và trồng thêm cây xanh.
Chủ tọa gắt: “Bị cáo có phải là chủ đầu tư chưa hay chỉ là chủ đầu tư trên giấy. Trong quy định pháp luật không có khái niệm nào là “tạm giao” cả”.
Trả lời chủ tọa, bị cáo khai khi bàn bạc với ông Thắm, bị cáo nói về các bước đang triển khai tại dự án. Ông Thắm rất quan tâm dự án này vì ở gần dự án Vành Khăn của Thắm.
Bị cáo Long thừa nhận cáo trạng truy tố không oan song ông không có ý định lừa đảo mà do hoàn cảnh khách quan.
Tòa cũng công bố lời khai của bị cáo Thắm. Cựu Chủ tịch Oceanbank công nhận cáo trạng truy tố là đúng. Việc ký quyết nghị cho Megastar nâng hạn mức tín dụng và nhận thế chấp tài sản chưa đủ điều kiện là sai. Bị cáo mong tòa xem xét để khoan hồng.