Khi vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm có hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái, Tham ô tài sản, Vi phạm quy định cho vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) được đưa ra xét xử, dư luận rất quan tâm về vấn đề thu hồi số tiền chi lãi ngoài hơn 1.500 tỷ đồng.
Trong quá trình xét xử, các bị cáo, luật sư... đã nêu vấn đề xác định ai nhận tiền, ai phải hoàn trả tiền. Tuy nhiên, do số lượng các pháp nhân, cá nhân nhận tiền rất nhiều, nên cơ quan điều tra đã tách hành vi này để xử lý sau. Do đó, tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank), vấn đề này chưa được làm rõ.
Giờ đây, sau thời gian điều tra, vấn đề ai nhận tiền, ai phải chịu trách nhiệm đang dần được làm rõ.
Gần đây nhất, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng của Viện Dầu khí Việt Nam (viết tắt là Viện Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) vì tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, Viện Dầu khí được thành lập từ năm 2007, là đơn vị khoa học - công nghệ tự trang trải kinh phí, do Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư 100% vốn.
Giai đoạn 2009-2010, thời điểm xảy ra vụ án chi lãi ngoài tại Oceanbank, Viện Dầu khí cũng như nhiều đơn vị khác thuộc PVN đã nhận được chỉ đạo bằng văn bản của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN.
Theo đó, các văn bản này có nội dung yêu cầu các đơn vị trong PVN ủng hộ việc sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thanh toán, ngoại hối, mở tài khoản và phát triển hệ thống tài khoản thanh toán tại Oceanbank.
Trên cơ sở chỉ đạo này, ông Trần Đức Chính, khi đó là Trưởng Ban Tài chính - Kế toán Viện Dầu khí, đã ký phiếu trình số 133 về việc đề nghị mở tài khoản giao dịch tại Oceanbank và được cấp trên phê duyệt.
Trong thời gian ông Trần Đức Chính làm Kế toán trưởng từ tháng 4/2009 đến tháng 10/2010, Viện Dầu khí đã gửi 308 tỷ đồng tại Oceanbank - Chi nhánh Thăng Long, thu được gần 2,5 tỷ đồng tiền lãi theo hợp đồng.
Trong thời gian này, Oceanbank có chủ trương chi tiền gửi chăm sóc khách hàng, triển khai trên toàn hệ thống.
Tiền chi chăm sóc khách hàng (chi lãi ngoài) cho Viện Dầu khí được chuyển vào tài khoản của bị cáo Trần Đức Chính, tổng số tiền là 97 triệu đồng. Số tiền này bị cáo Chính đã sử dụng cho cá nhân, không hạch toán về Viện Dầu khí.
Cũng liên quan đến lãi ngoài, bị cáo Trần Đức Chính đang bị điều tra xem xét trách nhiệm trong việc nhận 105 tỷ đồng trong thời kỳ bị cáo giữ vị trí Kế toán trưởng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (điều tra trong vụ án Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Vinashin).
Người kế nhiệm của bị cáo Trần Đức Chính tại Viện Dầu khí là ông Lê Văn Quý cũng có liên đới đến việc nhận số tiền lãi ngoài 782 triệu đồng.
Theo thời khai của các bị cáo Nguyễn Trà My, nguyên Phó giám đốc Oceanbank và Đỗ Thị Lan - nhân viên của Oceanbank Thăng Long, Oceanbank đã chi số tiền này cho ông Lê Văn Quý.
Tuy nhiên, ông Quý phủ nhận việc này. Hiện tại, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra tách hành vi của ông Lê Văn Quý để tiếp tục điều tra, xác minh xử lý theo pháp luật.
Được biết, cơ quan điều tra xác định có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức gửi tiền tại Oceanbank và nhận lãi ngoài.
Các khoản tiền ngoài lãi suất huy động Oceanbank chi trả cho các khách hàng xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và các đồng phạm, không có trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm.
Trong đó, nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc PVN và Vinashin, có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận lãi ngoài để ngoài sổ sách nhằm hưởng lợi bất chính.