Trong ngày xét xử hôm nay, một số cơ quan và cá nhân được Tòa án triệu tập đến làm rõ một số vấn đề trong vụ án. Danh sách bao gồm:
- Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Vụ pháp chế Bộ Công thương,Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục thuế Hà Nội.
- Ông Cao Anh Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế); ông Đặng Văn Thảo (Phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước); bà Nguyễn Thị Lý, bà Nguyễn Thị Cục (thanh tra của Ngân hàng Nhà nước).
Trong số những người này, có một số người vắng mặt, Hội đồng xét xử yêu cầu thư ký làm lệnh triệu tập. Tòa tiếp tục thẩm vấn phần kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam, tập trung chủ yếu vào nội dung đơn vị ủy thác đầu tư kinh doanh giá vàng có phải là hoạt động kinh doanh phải có giấy phép? Việc này có liên quan trách nhiệm của ông Kiên trong việc Thiên Nam ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Ngân hàng ACB.
Bị cáo Lý Xuân Hải, người từng là CEO nổi tiếng trong ngành ngân hàng khai trước tòa rằng kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái về cơ bản giống nhau. ACB được cấp phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và khi kinh doanh vàng tài khoản, ACB có phát triển một số sản phẩm phái sinh từ hoạt động này, dùng nó để kinh doanh với khách hàng trong nước, trong đó có VietBank.
Ông Hải khai: VietBank ủy thác đầu tư có cần giấy phép không thì tôi không biết, họ mua sản phẩm của ACB thì họ tự phải đảm bảo điều kiện yêu cầu của pháp luật. Có cần giấy phép hay không là trách nhiệm của người sử dụng sản phẩm và cơ quan quản lý. Khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư, Ngân hàng ACB chỉ quan tâm đến năng lực tài chính, uy tín của đối tác.
Theo Quyết định 03/2006 của NHNN thì kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài cần phải có giấy phép. Nhưng đây không phải là kinh doanh vàng vật chất hay kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Đây là sản phẩm phái sinh.
“Ở đây đề nghị Hội đồng xét xử xem xét làm rõ, Quyết định 03 có định nghĩa về trạng thái vàng của một tổ chức, nó khác với việc kinh doanh trạng thái vàng. Trạng thái vàng là số dư vàng trên tài khoản vàng của một tổ chức tín dụng và trạng thái đó tạo ra các sản phẩm phái sinh. Kinh doanh các sản phẩm đó không phải là trạng thái vàng” – bị cáo Lý Xuân Hải trình bày.
Hội đồng xét xử công bố lời khai của ông Hải tại cơ quan điều tra. Theo đó, ông Hải giải thích về kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh vàng ghi sổ, kinh doanh giá vàng.
Cụ thể, kinh doanh giá vàng bản chất là không phải là kinh doanh vàng, các hoạt động kinh doanh vàng, trạng thái vàng, bắt buộc phải có tiền ký quỹ, việc kinh doanh này người đầu tư không quan tâm đến vàng vật chất mà chỉ quan tâm giá vàng lên hay xuống.
Theo ông Hải nhận thức, Quyết định 03 chỉ điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài mà không điều chỉnh loại giao dịch ủy thác giữa ACB với VietBank. Quyết định 03 không điều chỉnh các sản phẩm phái sinh.
“Kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và kinh doanh giá vàng, bản chất rất phức tạp” – ông Hải nói.
Có mặt tại phiên tòa, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ phó Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết về quản lý kinh doanh vàng, có Nghị định 104 của Chính phủ quản lý về kinh doanh vàng vật chất trong đó sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng là 2 hoạt động phải được cấp phép. Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định về kinh doanh vàng tài khoản.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ phó Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước
Ông Tuấn còn khẳng định trong phạm vi 2 văn bản nêu trên không quy định nào điều chỉnh vấn đề này (cấp phép đối với ủy thác đầu tư). Và tại thời điểm đó, ngoài hai văn bản này (Nghị định 164 và Quyết định 03) thì không còn văn bản nào khác quy định về hoạt động kinh doanh vàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, Quyết định 03 có hiệu lực đến năm 2010, khi Chính phủ ban hành Quyết định 369 và sau đó NHNN ban hành Thông tư 01 yêu cầu các TCTD đóng tài khoản kinh doanh vàng trước ngày 30/3/2010.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gia hạn cho riêng ACB đến ngày 30/6/2010 mới phải đóng tài khoản. Tiếp đó, cơ quan này lại giãn thời hạn đến 31/7/2010, lần này áp dụng cho các ngân hàng.