Mua CP có phải đăng ký kinh doanh?
Truy tố của Viện KSND Tối cao cáo buộc ông Kiên, thông qua 6 công ty, đã sử dụng số vốn lên tới 21.490,4 tỷ đồng để đầu tư góp vốn cổ phần vào nhiều DN. Các DN này không được cấp phép kinh doanh tài chính.
Ông Kiên nhiều lần khẳng định, ông không làm gì trái pháp luật, mọi hoạt động kinh doanh của các công ty đều đúng quy định pháp luật, bởi các công ty không kinh doanh tài chính, mà chỉ góp vốn vào các DN khác qua đó sở hữu cổ phần của các DN này.
Vậy việc mua CP của một DN có phải đăng ký kinh doanh hay không? Vấn đề kinh doanh vàng và trạng thái vàng có phải là một? HĐXX đã hỏi nhiều cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước dù đã nhiều lần được được Tòa hỏi đến, song đều không có mặt. Trước khi phiên tòa diễn ra, HĐXX đã có 4 triệu tập liên quan đến Ngân hàng Nhà nước: yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Phụng, bà Nguyễn Thị Lý, thanh tra viên Ngân hàng Nhà nước phải có mặt tại phiên tòa để phục vụ xét xử.
Trước đó, HĐXX đã hỏi đại diện của UBCK Nhà nước: Liệu việc mua CP của DN có phải đăng ký kinh doanh. Đại diện của cơ quan này đã rất lúng túng và không trả lời rõ ràng được. Chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu đại diện UBCK về làm rõ vấn đề, ngày mai sẽ trả lời HĐXX.
Kinh doanh trạng thái vàng không phải là kinh doanh vàng?
Trở lại việc kinh doanh giá vàng của Công ty Thiên Nam, HĐXX tiếp tục thẩm vấn để làm rõ vai trò của “bầu” Kiên trong hoạt động kinh doanh vàng của Thiên Nam.
Bị cáo Kiên khai: việc mua bán, ký hợp đồng là do ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc quyết định, thuộc thẩm quyền ông Trung, không phải xin ý kiến bị can. Bị can chỉ được ủy quyền để đặt lệnh qua hệ thống điện thoại có ghi âm.
Bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB khai: Việc đặt lệnh giao dịch vàng phải bằng văn bản chữ ký, nhưng vì giá vàng biến động rất nhanh, nên để hỗ trợ khách hàng, ACB cho đặt lệnh qua điện thoại có ghi âm. Cụ thể về việc này thì có thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng sau đó phải chính thức hóa bằng văn bản.
Đặt lệnh thì lệnh qua điện thoại hay lệnh qua văn bản đến trước là quyền của DN. Tùy doanh nghiệp lựa chọn và quy định nội bộ. Thời gian kinh doanh vàng là 24/24, nên lệnh có thể vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Đại diện Vietbank khai: Hợp đồng giữa Thiên Nam và VietBank là hợp đồng ủy thác đầu tư, Thiên Nam kế thừa và tiếp tục thực hiện ủy thác đầu tư giữa Vietbank và ACB. Với hợp đồng ủy thác đầu tư, Vietbank đã ủy thác, kinh doanh thế nào, ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào ACB.
“Bầu” Kiên nhiều lần khẳng định: Việc quyết định mua bán ở giá nào, cũng như việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư là do ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam quyết định. Đây là khoản đầu tư cá nhân của ông Trung và một người nữa. Kinh doanh giá vàng là rất khó khăn và phụ thuộc vào cảm nhận người ra lệnh. Công ty Thiên Nam không bỏ vốn, mà vốn của ông Trung và một cá nhân khác, nên không có chuyện bị cao quyết định giá mua bán. Bị cáo cũng không ký một phiếu lệnh nào.
Giải thích vì sao mình lại là người đặt lệnh qua điện thoại, bị cáo Kiên cho biết: ACB yêu cầu ông Trung ủy quyền cho mình vì lý do nhận dạng giọng nói. ACB có hệ thống ghi âm tự động, nhân viên vàng ACB có trách nhiệm nhận giọng. Sau khi nhận lệnh qua ghi âm, nhân viên ghi nhận từng giao dịch báo cáo lãnh đạo, sau đó là báo cáo giao dịch đó.
“Anh Trung nhiều lần gọi điện đến đặt lệnh nhưng nhân viên vàng ACB không nhận diện được giọng nói”, bầu Kiên giải thích.
Ngoài ra, ông Kiên còn nói thêm: Trước đó, ACB đã từng xảy ra tranh chấp với khách hàng khi nhận lệnh qua hệ thống ghi âm điện thoại, do đó nhân viên ACB được yêu cầu chỉ nhận lệnh của những giọng nói nhận dạng được.
Khi được hỏi giọng nói của bị cáo Kiên có gì đặc biệt để nhận dạng so với giọng nói ông Trung, “bầu” Kiên giải thích: "do nhân viên ACB đã nghe lệnh tôi 20 năm rồi”.
Bầu Kiên còn nhấn mạnh: “Tôi không đùn đẩy cho người đã mất (ông Lê Quang Trung đã mất – PV), tôi sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với anh Trung cả dân sự, hình sự”.
Về hành vi kinh doanh trái phép, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên đã thành lập và đồng thời là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của 6 công ty gồm: (1) CTCP Phát triển sản xuất và XNK Thiên Nam; (2) CTCP Đầu tư thương mại B&B (3) CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu; (4) CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (5) Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (6)CTCP Đầu tư Á Châu. Các pháp nhân này đều có hàng chục ngành nghề kinh doanh đa dạng nhưng đều không có chức năng kinh doanh đầu tư tài chính, phát hành và bán trái phiếu, nhưng, sau khi thành lập, ông Kiên đều chỉ đạo các công ty này thực hiện việc phát hành và bán trái phiếu của một số công ty cho một vài ngân hàng để vay nhiều tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định, thông qua 6 công ty ông Kiên đã sử dụng số vốn lên tới 21.490,4 tỷ đồng để kinh doanh trái phép. |