Cụ thể, theo báo cáo của WB, năm 2019 dòng kiều hối chảy vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng 2,6% lên mức 147 tỷ USD, thấp hơn khoảng 4,3 điểm phần trăm so với mức tăng của năm 2018, nhưng được dự báo sẽ giảm 13% trong năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm dòng tiền từ Hoa Kỳ, nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này. Trong đó, một số quốc gia phụ thuộc vào kiều hối như các quốc gia ở Quần đảo Thái Bình Dương sẽ gặp khó khăn bởi thu nhập từ kiều hối sẽ sụt giảm trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, lượng kiều hồi sẽ hồi phục và tăng 7,5% vào năm 2021.
Điểm đáng chú ý là chi phí chuyển chuyển 200 USD đến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 7,13% trong quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới quý IV năm 2019, chênh lệch phí chuyển tiền của các tuyến trong khu vực khá cao. Cụ thể, 5 tuyến chuyển tiền có chi phí thấp nhất trong khu vực ở mức 2,6%, trong khi 5 tuyến có chi phí cao nhất ở mức bình quân 15,4%.
Với khu châu Âu và Trung Á, kiều hối năm 201, tăng khoảng 6% lên 65 tỷ USD. Trong đó, Ukraina vẫn là quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trong khu vực, gần 16 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm, năm 2020, lượng kiều hối vào khu vực này được ước tính giảm khoảng 28%.
Về phí chuyển tiền, mức trung bình chi phí chuyển 200 USD đến khu vực châu Âu và Trung Á trong quý I/2020 giảm nhẹ xuống 6,48% so với mức 6,67% của năm trước đó. Chênh lệch về chi phí chuyển tiền giữa các quốc gia khá đáng kể, chi phí cao nhất là chi phí chuyển tiền từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria, trong khi chi phí chuyển tiền thấp nhất là từ Nga đến Azerbaijan.
Cũng có mức tăng khá mạnh trong năm 2019 là khu vực châu Mỹ Latinh và Caribê với dòng kiều hối tăng 7,4% lên 96 tỷ USD. Trong đó, Brazil, Guatemala và Honduras có mức tăng kiều hối hơn 12%, Colombia, Ecuador, Nicaragua và Panama tăng hơn 6%, trong khi dòng kiều hối của Bolivia và Paraguay giảm 3,8% và 2,2%.
Cùng chung xu hướng, WB dự báo năm 2020, dòng kiều hối chảy vào khu vực này sẽ sụt giảm 19,3%.
Về chi phí chuyển tiền, trong quý I năm 2020, chi phí chuyển 200 USD đến khu vực này là 5,97%. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19, chi phí chuyển tiền có thể tăng lên do các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển tiền gặp nhiều khó khăn (vì phải đóng cửa các đại lý và văn phòng, thiếu tiền mặt, ngoại hối, an toàn thấp) và phải tuân thủ các quy định của AML/CFT.
Với khu vực Trung Đông và Bắc Phi, sau khi tăng nhẹ 2,6% năm 2019, WB dự báo dòng kiều hối vào khu vực này năm 2020 sẽ giảm 19,6% xuống còn 47 tỷ USD, trước khi hồi nhẹ 1,6% vào năm 2021.
Lý do sụt giảm kiều hối năm nay của khu vực châu Phi cũng đến từ ảnh hưởng của Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy giảm và giá dầu thô giảm.
Mặc dù vậy, khác với các khu vực khác, chi phí chuyển 200 USD đến khu vực này vẫn giữ ở mức 7% như năm trước. Chi phí giữa các quốc gia có mức chênh lệch lớn. Chi phí chuyển tiền từ các nước OECD thu nhập cao đến Lebanon tiếp tục ở mức hai con số. Chi phí chuyển tiền từ các nước các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) đến Ai Cập và Jordan ở mức 3 - 5%. Chi phí chuyển tiền từ Ả Rập Xê-út đến Syria giảm đáng kể do nội chiến ở Syria đã suy yếu.
Cũng có mức kiều hối được dự báo giảm mạnh trong năm nay là khu vực Nam Á, giảm 22% xuống 109 tỷ USD và châu Phi cận Sahara giảm 23,1% xuống 37 tỷ USD.
Trong năm 2019, trong khi khu vực Đông Á có mức tăng 6,1% thì khu vực châu Phi cận Sahara lại giảm 0,5%.
Về chi phí chuyển tiền, khu vực Nam Á có chi phí chuyển tiền trung bình ở mức 4,95%, thấp nhất trong tất cả các khu vực. Trong khi khu vực châu Phi cận Sahara lại ở mức rất cao là 8,9%, trong năm trước mức phí thậm chí còn là 9,25%.
Được biết, Ngân hàng Thế giới đang tiến hành hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc giám sát dòng kiều hối qua nhiều kênh khác nhau, chi phí và mức độ thuận tiện của việc chuyển tiền cùng các quy định về minh bạch tài chính có ảnh hưởng đến dòng kiều hối. Ngân hàng hiện đang phối hợp với các nước G20 và cộng đồng quốc tế để giảm chi phí chuyển tiền và cải thiện tài chính toàn diện cho người nghèo.