Covid-19 đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái

Tốc độ lây lan nhanh của đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 về -1,9% và mức độ suy thoái toàn cầu sẽ phụ thuộc vào việc các nước đóng cửa nền kinh tế và kéo tài thời gian phong tỏa bao lâu.
Phong tỏa các hoạt động kinh tế và giãn cách xã hội để ngăn dịch Covid-19 lây lan là nguyên nhân chính kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020. Trong ảnh: Khu vực Điện Invalides tại Paris hôm 30/3 không một bóng người sau lệnh phong tỏa 14 ngày. Ảnh: AFP Phong tỏa các hoạt động kinh tế và giãn cách xã hội để ngăn dịch Covid-19 lây lan là nguyên nhân chính kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020. Trong ảnh: Khu vực Điện Invalides tại Paris hôm 30/3 không một bóng người sau lệnh phong tỏa 14 ngày. Ảnh: AFP

Dự báo trên được Fitch Ratings - 1 trong 3 “ông lớn” xếp hạng tín nhiệm trên thế giới nhấn mạnh trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020. Trước đó, Fitch hôm 22/3 dự báo GDP toàn cầu năm 2020 sẽ tăng 1,3%.

Theo Fitch Ratings, trong nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới, GDP của Mỹ, EU và Anh trong năm 2020 lần lượt tăng trưởng -3,3%, -4,2% và -3,9%. Trung Quốc với sự hồi phục còn hạn chế trong quý I/2020 có thể đạt tăng trưởng dưới 2% trong năm nay.

"Dự báo GDP toàn cầu năm 2020 đã bám sát tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), tuy nhiên các yếu tố như hoạt động kinh doanh và việc làm trong nửa đầu năm nay thì tệ hại hơn”, ông Brian Coulton, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn Fitch cho biết.

"Theo dự báo của chúng tôi, đến cuối năm 2021 GDP của Mỹ và châu Âu mới có thể hồi phục như trước khi dịch Covid-19 ập đến”, ông Coulton nói thêm.

Sự lây lan của đại dịch và các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh như "khóa chặt" toàn châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia có tác động lớn đến tăng trưởng toàn cầu năm nay. Nếu dịch Covid-19 bị đẩy lùi trước quý III/2020, các hoạt động kinh tế sẽ hồi phục với tốc độ khá khi các biện pháp phong tỏa, cách ly được gỡ bỏ, còn chi tiêu cũng tăng trở lại và chính sách kích thích kinh tế sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế sẽ gặp phải một số trở ngại cần vượt qua, như thất nghiệp tăng cao, doanh nghiệp cắt giảm chi phí vốn, giá cả hàng hóa tăng mạnh và nhà đầu tư quay lưng với thị trường tài chính.

Tại các nước phát triển, người thất nghiệp và nộp xin trợ cấp thất nghiệp tăng kỷ lục vì các biện pháp giãn cách xã hội và "khóa chặt" nền kinh tế. Fitch đơn cử, tỷ lệ thất ngiệp tại Mỹ trong quý II/2020 dự báo sẽ tăng kỷ lục lên 10% với 10 triệu người mất việc làm trong khi doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm mạnh chi phí, còn người tiêu dùng cũng phải "thắt lưng buộc bụng".

Theo đánh giá của Fitch, các nhà hoạch định chính sách đang làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu thiệt hại do khủng hoảng dịch bệnh. Các phản ứng chính sách tài khóa và tiền tệ được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng nhanh, rộng hơn so với những gì ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Những nước có tiềm lực kinh tế mạnh đã công bố các gói kích thích tài khóa khổng lồ bằng 5% GDP (Đức và Anh) và lên tới 10% (Mỹ).

Ngoài việc cắt giảm lãi suất, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nới rộng với tốc độ chóng mặt, đẩy hệ thống tài chính tràn ngập thanh khoản. Đi kèm các biện pháp trên là những khoản bảo lãnh tín dụng lên tới hàng trăm tỷ USD cho khu vực tư nhân để giúp khu vực này tránh nguy cơ phá sản trên diện rộng. Bên cạnh đó, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ việc làm cũng là giải pháp được các nước ồ ạt triển khai để xoa dịu tác động của Covid-19 lên thị trường lao động và nền kinh tế.

Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa để ngăn dịch Covid-19 lan rộng lại sinh ra phản ứng phụ đồng bộ và sâu sắc tới các hoạt động thường nhật. Việc các quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa hay khóa chặt nền kinh tế sẽ khiến hoạt động kinh doanh hàng ngày giảm 20% so với bình thường.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục